Sáng 12/6, Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sáng 12/6, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (nếu có).
Sau đó, Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Thời gian còn lại của buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội gồm 6 chương, 40 điều nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch về trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh.
Dự thảo Luật có đối tượng áp dụng, nội dung điều chỉnh, thủ tục hành chính, các loại giấy tờ được cấp, trách nhiệm quản lý nhà nước khác với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nên Ban soạn thảo đề nghị không hợp nhất hai luật.
Dự án Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, có một số vấn đề tiếp tục cần xin ý kiến Quốc hội, đó là: bố cục của dự thảo Luật; bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quy định về sử dụng hộ chiếu và hình thức, nội dung của hộ chiếu; điều chỉnh lại các mục của Chương III bảo đảm rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện; về tên gọi của Luật; về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; quyền và nghĩa vụ của công dân; giấy tờ xuất nhập cảnh; cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành; về hủy, thu hồi, khôi phục hộ chiếu; điều kiện xuất cảnh, điều kiện nhập cảnh; các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Trưởng Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu. Sau đó Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Thời gian còn lại, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Việc sửa đổi Bộ luật nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam.
Dự thảo Bộ luật trình Quốc hội xin ý kiến tập trung vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau, như: việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm giờ tối đa; các phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về thời gian nghỉ tết âm lịch; về bổ sung ngày nghỉ lễ vào Ngày thương binh, liệt sỹ; về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.
Cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)./.
PV (TTXVN/Vietnam+)