Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 1/6/2012 22:22'(GMT+7)

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Dự trữ quốc gia

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Các đại biểu Quốc hội cho rằng mục tiêu dự trữ quốc gia mà Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia đưa ra là quá rộng, cần thu hẹp để phù hợp với nguồn lực huy động.

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu của dự trữ quốc gia (Điều 1) bao gồm: đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường; góp phần đảm bảo an sinh xã hội (nội dung được bổ sung so với Pháp lệnh về dự trữ quốc gia hiện hành) và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, bức thiết khác của Nhà nước.

Thảo luận nội dung này, các đại biểu cho rằng mục tiêu của dự trữ quốc gia quá rộng. “Mở rộng mục tiêu rộng thì nguồn lực huy động phát triển kinh tế càng bị hao hụt, phân tán, lại cộng thêm chi phí bảo trì cho dự trữ quốc gia lớn”, đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) nói.

Các đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh), Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), Trần Thanh Mẫn (đoàn Cần Thơ), Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) cũng đồng tình việc không nên đặt mục tiêu rộng cho Luật Dự trữ quốc gia. Theo các đại biểu này, dự trữ quốc gia chỉ nên đặt mục tiêu đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Đại biểu Phan Văn Tường thì đề nghị chỉ đặt mục tiêu phòng, chống, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và an ninh quốc phòng. Đối với mục tiêu đảm bảo bình ổn thị trường thì Nhà nước cần có những chính sách về tài khóa, tiền tệ để điều chỉnh chứ không nên sử dụng dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần bổ sung một số nội dung vào mục tiêu của Dự thảo luật. Đại biểu Hoàng Hữu Phước (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị dự trữ các nguồn nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt để dành cho con cháu sau này; đại biểu Trần Hoàng Ngân ( đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững…

Tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế

Sáng cùng ngày, thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, các đại biểu đều cho rằng dự thảo đáp ứng nhu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế và tránh thất thu thuế.

Trong 33 Điều sửa đổi thì 12 Điều giao Chính phủ quy định chi tiết, nhưng theo các đại biểu nếu dự Luật quy định cụ thể luôn được những điều về trình tự thủ tục kê khai thuế, mức xử phạt về thuế,... thì có tính răn đe cao hơn và hạn chế vi phạm về thuế.

Đi vào cụ thể từng vấn đề, đại biểu Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hóa) cho rằng dự luật quy định trách nhiệm người thu thuế còn chung chung, mang tính khuyến nghị là chính. Đại biểu Thông đề nghị dự Luật cần quy định thêm trách nhiệm của người thu thuế gồm cả chống tiêu cực, tham nhũng ngay trong nội bộ cơ quan thuế.

Về thời hạn bảo lãnh đối với các loại hàng hóa, đại biểu Nguyễn Văn Bình (đoàn Hải Phòng) đề nghị rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với hàng gia công xuất khẩu (quy định như dự luật là 275 ngày) để tạo điều kiện cho các bên liên quan thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình.

Cũng theo đại biểu này, dự luật cần quy định thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế đối với các trường hợp “hoàn trước, kiểm sau” dể bảo đảm tính linh hoạt và tăng cường hậu kiểm để hạn chế việc thiếu tính tự giác trong nộp thuế./.

(Theo: Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất