Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu với 462/463 phiếu tán thành (tương đương 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội).
Trình bày giải trình, tiếp
thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách
của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Nghị quyết là những nội
dung hoàn toàn mới, có nhiều quy định khác, trái với các quy định hiện
hành của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và một số luật liên quan khác.
Vì vậy, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây
là một Nghị quyết thí điểm và tên gọi của Nghị quyết nên có chữ “thí
điểm”.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD
hoặc các nước có quyền lợi liên quan thực hiện rà soát đồng cấp, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí
điểm” nhưng được áp dụng như một Nghị quyết thí điểm để có cơ sở pháp lý
cho việc áp dụng những quy định về chính sách mới, khác với các quy
định của các luật, nghị quyết hiện hành. Đồng thời đề nghị cho giữ tên
gọi của Nghị quyết như dự thảo để thể hiện đúng tinh thần quy định của
OECD và phù hợp thông lệ chung của các nước.
Về việc giao Chính phủ quy định nội dung cụ thể để áp dụng trong
trường hợp OECD có hướng dẫn sửa đổi bổ sung về thuế tối thiểu toàn cầu,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu là một
chính sách mới và phức tạp, OECD và các nước sẽ phải vừa làm, vừa hoàn
thiện. Tuy nhiên, các nội dung chính về thuế tối thiểu toàn cầu đã được
quy định trong Quy định mẫu (tương tự như cấp độ Luật của các nước) đã
được 120 nước thông qua sẽ ít có khả năng thay đổi. Hiện nay, Ban Thư ký
OECD đang tiếp tục cập nhật và sẽ có những sửa đổi, bổ sung chủ yếu đối
với các tài liệu hướng dẫn hành chính là các văn bản quy định chi tiết
về kỹ thuật quản lý thu (tương tự như cấp độ văn bản hướng dẫn dưới luật
của các nước). Nếu tất cả các hướng dẫn sửa đổi, bổ sung của OECD về
hướng dẫn thực hiện đều cần báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc
hội thì sẽ rất khó khả thi và không thật sự phù hợp về mặt nội dung.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn
thiện và thể hiện nội dung quy định này tại khoản 3, Điều 8 của dự thảo
Nghị quyết theo hướng: Trường hợp sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực
thi hành, Diễn đàn hợp tác chung về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển
lợi nhuận toàn cầu có hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Quy định về thuế tối
thiểu toàn cầu thì Chính phủ quy định nội dung cụ thể để thực hiện.
Trường hợp có nội dung trái với quy định của Nghị quyết này thì báo cáo
Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp cấp bách trong thời gian Quốc
hội không họp thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định và
báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá tổng thể về môi trường đầu
tư khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để có các giải pháp về ưu đãi
đầu tư phù hợp, giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư hiện hành cũng
như làm rõ về chế độ ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư mới sẽ vào Việt
Nam. Một số ý kiến đề nghị làm rõ trường hợp doanh nghiệp đầu tư vào
Việt Nam sau thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành thì áp dụng ưu
đãi đầu tư về thuế theo quy định của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hay
áp dụng thuế suất theo quy định của Nghị quyết.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua hai nghị quyết. (Ảnh: TTXVN)
Về các nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay
Chính phủ chưa có đánh giá tổng thể về hệ thống ưu đãi, khuyến khích đầu
tư, bao gồm các ưu đãi qua thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các biện
pháp phi thuế để xây dựng phương án thay thế sau khi thuế tối thiểu
toàn cầu đi vào thực hiện. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được sửa
đổi nên sau khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, các tập đoàn đa
quốc gia có đầu tư mới vào Việt Nam sẽ bị điều chỉnh bởi Luật Thuế thu
nhập doanh nghiệp và cả Nghị quyết này.
Theo đó, nhà đầu tư trước tiên sẽ vẫn được hưởng ưu đãi miễn giảm
theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, sau đó sẽ
phải nộp lại khoản ưu đãi miễn giảm thuế này theo quy định của Nghị
quyết về thuế tối thiểu toàn cầu và đồng thời có thể sẽ lại được xử lý
hỗ trợ bổ sung ngoài thuế. Hiện nay, Chính phủ mới chỉ hoàn thành dự án
Nghị quyết này để ban hành ngay, giải quyết vấn đề nộp thuế tối thiểu
toàn cầu cho các nhà đầu tư hiện hành. Bài toán về chế độ thuế đối với
các nhà đầu tư mới sẽ cần phải được Chính phủ tiếp tục giải quyết khi
sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai đánh
giá một cách tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thuế hiện nay và khẩn
trương xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
cùng với phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách
phù hợp.
TTXVN