Ngoại giao nghị viện, đặc biệt “ngoại giao vaccine” đóng góp thiết thực vào thành tựu phổ cập tiêm vaccine COVID-19, là một trong những dấu ấn đậm nét của công tác đối ngoại Quốc hội Việt Nam 2021.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội đất nước, thực hiện “chiến lược vaccine” và “ngoại giao vaccine,” bên cạnh các nội dung nhằm thúc đẩy, đưa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội/nghị viện các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, đoàn Quốc hội Việt Nam còn trao đổi, xúc tiến hợp tác với Quốc hội/nghị viện, doanh nghiệp các nước trong hợp tác, chia sẻ về vaccine, thuốc và thiết bị, vật tư y tế thiết yếu phòng, chống dịch COVID-19.
Những con số về số lượng vaccine, vật tư, thiết bị y tế cũng như tài chính quyên góp được sau các chuyến công tác nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là minh chứng sống động cho việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả kênh ngoại giao nghị viện trong công tác “ngoại giao vaccine,” đóng góp thiết thực vào thành tựu phổ cập tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hiện nay của nước ta, khi Việt Nam đang thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Thúc đẩy “ngoại giao vaccine”
Việt Nam hiện chưa sản xuất được vaccine phòng COVID-19 trong khi yêu cầu phòng, chống dịch lại rất cấp bách, nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, “ngoại giao vaccine” là một mặt trận rất quan trọng, bởi vận động để có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vaccine đã đề ra.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, trong tổng thể “ngoại giao vaccine” của Việt Nam, đối ngoại của Quốc hội được tích cực triển khai sao cho đạt mục đích cao nhất là có nhiều vaccine nhất, nhanh nhất; có được các loại thuốc và vật tư y tế để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước.
Công tác ngoại giao vaccine của Quốc hội đã và đang triển khai với nhiều hình thức đa dạng, nội dung được lồng ghép trong tất cả các hoạt động đối ngoại trên các kênh, bước đầu đạt những kết quả quan quan trọng, đóng góp đáng kể cho việc thực hiện “mục tiêu kép” của Việt Nam.
Một trong những nội dung thảo luận chính trong các hội đàm trực tuyến, điện đàm song phương, thư gửi của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với Chủ tịch nghị viện các nước thời gian qua, là hợp tác phòng, chống đại dịch, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam; cung cấp, chuyển nhượng vaccine, trang thiết bị y tế thiết yếu, hỗ trợ thuốc điều trị COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu quan điểm: "Việc chia sẻ một cách công bằng nguồn vaccine trên phạm vi toàn cầu là một vấn đề hết sức quan trọng và đòi hỏi có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa các cơ quan hành pháp cũng như hỗ trợ của cơ quan lập pháp trong bố trí các nguồn lực, các khung khổ thể chế, để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng cho từng nước, cũng như thúc đẩy quan hệ của nội khối, giữa ASEAN với khu vực và thế giới."
Quan điểm trên của Chủ tịch Quốc hội đã được các thành viên đoàn Quốc hội Việt Nam tham dự các hội nghị, cuộc họp đa phương, song phương cấp khu vực, châu lục và thế giới đưa ra dưới hình thức các đề xuất hợp tác.
Nhấn mạnh Quốc hội Việt Nam đã phát huy thế mạnh của ngoại giao nghị viện, đó là vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết qua kênh ngoại giao nghị viện, nghị viện các nước đều nhất trí ủng hộ chia sẻ vaccine cho Việt Nam; mong muốn góp phần giúp Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh cũng như khôi phục phục hồi sau đại dịch để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những chuyến công tác ghi đậm dấu ấn “ngoại giao vaccine”
Một trong những dấu ấn nổi bật của chuyến công tác châu Âu hồi tháng 9/2021 của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là thực hiện “ngoại giao vaccine” khi trên chuyên cơ về nước, đoàn mang về một lượng lớn vaccine phòng COVID-19, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đoàn công tác đã bàn giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế 200.000 liều vaccine AstraZeneca; các thiết bị, vật tư y tế trị giá 1.028 tỷ đồng, cùng tiền mặt ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ phòng, chống COVID-19.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, ngoại giao vaccine đã được triển khai một cách quyết liệt trong tất cả các hoạt động, từ phát biểu của Chủ tịch Quốc hội ở Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới cho đến các cuộc gặp gỡ song phương bên lề hội nghị và các cuộc gặp gỡ ở ba quốc gia mà đoàn đến.
Trong các cuộc gặp lãnh đạo các nước gồm Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội hay các cơ quan liên quan của nước bạn, đoàn đều đặt vấn đề về vaccine, vật tư y tế và các trang thiết bị để hỗ trợ cho Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn EP tích cực hỗ trợ nguồn cung vaccine từ châu Âu, qua cơ chế COVAX, chia sẻ vaccine “dôi dư,” hỗ trợ cung cấp vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc điều trị COVID-19, hợp tác sản xuất vaccine; và khẳng định Việt Nam sẵn sàng chuẩn bị mọi mặt để có thể trở thành trung tâm sản xuất vaccine ở khu vực.
Trong chuyến công tác, Chủ tịch Quốc hội đã chứng kiến các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài ký kết để sản xuất các bộ test virus SARS-CoV-2 cũng như vaccine ở Việt Nam. “Đây là những kết quả lớn và quan trọng,” Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Chuyến thăm chính thức 6 ngày đầu tháng 12 vừa qua tại Hàn Quốc và Ấn Độ, công tác ngoại giao vaccine qua kênh ngoại giao nghị viện, đặc biệt là các hoạt động tiếp xúc cấp cao tiếp tục phát huy hiệu quả cao.
Thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao, gặp gỡ các doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam đã tiếp nhận vaccine phòng COVID-19, vật tư, nguyên liệu điều chế thuốc chống COVID-19 và kinh phí từ phía các doanh nghiệp của Hàn Quốc và Ấn Độ.
Ngay khi chuyên cơ đáp xuống sân bay Nội Bài, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức lễ bàn giao vaccine, vật tư, nguyên liệu điều chế thuốc và kinh phí cho các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam.
Đoàn đã bàn giao 200.000 liều vaccine COVAXIN cho trẻ em dưới 18 tuổi do Tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) ủng hộ; chuyển giao toàn bộ công nghệ và 1 tấn nguyên liệu điều chế 4.750.000 viên thuốc MOVINAVIR 200mg điều trị COVID-19 do Công ty Optimus Pharma (Ấn Độ) phối hợp với Công ty Cổ phần Hóa-Dược phẩm Mekophar (Việt Nam); bàn giao 2 tỷ Won (khoảng 40 tỷ đồng) do Tập đoàn Tài chính Hana (Hàn Quốc) ủng hộ cùng với BIDV để triển khai các hoạt động an sinh xã hội bao gồm chương trình tặng 65 xe cứu thương và xây nhà văn hóa, nhà tránh lũ.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: “Bạn tặng 200.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em là việc làm rất có ý nghĩa trong thời điểm chúng ta đang đẩy mạnh việc tiêm phòng cho trẻ để góp phần giúp các em đến trường học một cách bình thường. Nguyên liệu để điều chế hơn 4 triệu viên thuốc điều trị COVID-19 có ý nghĩa rất thiết thực trong phòng, chống dịch, nhất là khi COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Thông qua những hoạt động này, nhất là việc ký kết trong sản xuất thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào việc kiềm chế và và đẩy lùi đại dịch tại Việt Nam.”
Cũng với những dấu ấn trong ngoại giao nghị viện song phương và đa phương, “ngoại giao vaccine” với cách thức triển khai hết sức khéo léo, linh hoạt, sáng tạo, lồng ghép “trúng” và “đúng” trong chương trình nghị sự song phương, đa phương đã trở thành một trong những dấu ấn đậm nét của công tác đối ngoại Quốc hội Việt Nam năm 2021./.
Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)