Các biện pháp của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục được dư luận quốc tế đánh giá là nhanh chóng, quyết liệt và nhận được sự đồng lòng của toàn dân.
Ngày 8/4, tờ Workers World của đảng Công nhân thế giới (WWP) tại Mỹ đăng bài viết cho rằng đại dịch COVID-19 đã bắt đầu cho thấy những sự khác biệt rõ rệt trong cách phản ứng khẩn cấp của các quốc gia trên toàn cầu.
Workers World đánh giá Việt Nam, dù không có nguồn lực lớn, song lại đang ứng phó tốt với COVID-19. Bài báo nhận định Việt Nam là một điển hình trong việc kiểm soát COVID-19, với dân số gần 100 triệu người nhưng mới chỉ có hơn 250 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong.
Workers World điểm lại các biện pháp mà Việt Nam thực hiện trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Điều đáng chú ý đầu tiên là vấn đề xét nghiệm, khi Việt Nam đã phát triển bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 với giá phải chăng (khoảng 15 USD) và trả kết quả trong vòng 1 giờ. Hiện 20 quốc gia trên thế giới đang tìm cách đặt mua kit xét nghiệm của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tập trung thực hiện những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả như dừng các chuyến bay đến những điểm nóng về dịch, cách ly những đơn vị dân cư có người nhiễm, đóng cửa các trường học, cách ly người trở về từ nước ngoài…
Các trung tâm kiểm dịch đã được thiết lập ở ngoại ô thành phố, cung cấp 100% dịch vụ chăm sóc y tế, thực phẩm và nơi ở cho những người được cách ly, kể cả du khách nước ngoài.
Workers World dẫn lời một công dân Anh tại một khu cách ly ở Sơn Tây kể về trải nghiệm đáng nhớ: "Bỗng nhiên, tất cả trở nên rất nhân văn….Mọi thứ đều yên bình. Khu cách ly rất yên tĩnh. Những người lính cần mẫn khử trùng phòng ốc hằng ngày, ghi lại thân nhiệt của chúng tôi và dọn sạch thùng rác.
Điều này khiến chúng tôi cảm thấy mình giống như đang trong một kỳ nghỉ hơn làở trong một khu kiểm dịch. Trong phòng, chúng tôi chia sẻ đồ ăn vặt, trái cây và tiếp nhận vật phẩm do người thân gửi vào."
Bài viết còn dẫn ý kiến của một đảng viên WWP từng du lịch Việt Nam từ ngày 5-17/3 cho biết, việc kiểm dịch tại các sân bay Việt Nam được thực hiện kỹ lưỡng và nghiêm ngặt. Nước rửa tay kháng khuẩn hiện diện ở khắp mọi nơi, ngay cả ở các vùng nông thôn. Mọi người dân đều tin tưởng về những biện pháp do chính phủ đưa ra để ngăn chặn COVID-19.
Cũng theo bài viết, Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ thông tin để tuyên truyền chống COVID-19, khi mà gần 90% dân số có điện thoại thông minh hoặc điện thoại di động.
Chính phủ sử dụng các ứng dụng và nhiều kênh khác nhau để nhanh chóng cảnh báo người dân về các trường hợp và khu vực nghi nhiễm, giúp mọi người được xét nghiệm và cập nhật thông tin chính xác về mặt khoa học để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm virus.
Bộ Y tế Việt Nam thậm chí còn sản xuất một video âm nhạc hấp dẫn để hướng dẫn mọi người kỹ thuật rửa tay đúng cách và các biện pháp khác để giảm lây nhiễm.
Bài báo kết luận Việt Nam là tấm gương cho cả các nước đang phát triển và các quốc gia phát triển trong cuộc chiến chống COVID-19.
Trong khi đó, tổ chức truyền thông quốc tế Project Syndicate cho rằng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 sẽ là một hình mẫu để các nền kinh tế mới nổi khác có thể học theo.
Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình nhờ các biện pháp tiết kiệm mà hiệu quả như thắt chặt kiểm soát biên giới, phản ứng y tế kịp thời, ứng dụng công nghệ và việc sản xuất một clip cổ động phong trào rửa tay phòng dịch.
Nghiên cứu của Project Syndicate về chính sách phòng chống dịch của Việt Nam cho thấy, thành công ban đầu trong việc làm chậm tốc độ lây lan của virus có được nhờ chính quyền đã tập trung vào truyền thông và tuyên truyền cho người dân ý thức phòng bệnh thông qua các nền tảng công nghệ và tích cực truy tìm mầm bệnh.
Truyền thông minh bạch và sự hợp tác giữa chính phủ và người dân đã giúp Việt Nam kiềm chế số ca lây nhiễm ở mức thấp. Ngay cả khi đối phó với làn sóng dịch bệnh "nhập khẩu" từ nước ngoài, Việt Nam đã xử lý khủng hoảng hiệu quả và tránh được nguy cơ trở thành một “điểm nóng” về COVID-19.
Dù được dự đoán có nguy cơ lây nhiễm cao do có biên giới chung với Trung Quốc và có nhiều hoạt động trao đổi thương mại với nước ngoài, nhưng Việt Nam ghi nhận số ca mắc COVID-19 thấp hơn nhiều nước phát triển khác trong khu vực.
Theo Project Syndicate, việc 65% trong số khoảng 96 triệu dân Việt Nam có khả năng tiếp cận Internet, các kênh thông tin chính thống và truyền thông xã hội (60% trong số đó có sử dụng mạng xã hội Facebook) đã giúp công tác chia sẻ thông tin về dịch bệnh diễn ra hiệu quả.
Project Syndicate nhận định, trong thời đại tin giả lan truyền khắp nơi, việc hiểu được mối đe dọa về dịch bệnh là chìa khóa để công dân sẵn sàng hợp tác với chính quyền, cho phải thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội hay tự cách ly.
Theo thống kê của Project Syndicate, từ ngày 3/1, truyền thông Việt Nam đã mô tả căn bệnh lạ xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc). Từ ngày 9/1 đến ngày 15/3, trung bình mỗi ngày có 127 bài báo về chủ đề này xuất bản trên 13 trong số các trang báo điện tử phổ biến nhất của Việt Nam, khiến tin giả gần như không còn đất sống.
Do đó, khác với nhiều nước phương Tây, người dân Việt Nam không coi COVID-19 chỉ đơn thuẩn là cúm mùa mà xem đây như một dịch bệnh nguy hiểm giống dịch SARS hồi năm 2003. Điều này khiến người dân sớm cảnh giác với COVID-19, luôn sẵn sàng tinh thần phòng chống dịch.
Project Syndicate cho biết tại Việt Nam, công dân tự giác khai báo sức khỏe cá nhân thông qua ứng dụng của chính phủ có tên NCOVI. Đây đã trở thành ứng dụng miễn phí đứng đầu về số lượng sử dụng tại Việt Nam kể từ khi ra mắt vào ngày 10/3.
Nền tảng công nghệ tỏ ra hữu hiệu trong việc cập nhật thông tin về sự bùng phát của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng bệnh, nhanh chóng chấn chỉnh thông tin sai lệch, thu thập thông tin một cách có hệ thống và xác định các cụm nghi nhiễm COVID-19 sớm nhất có thể.
Công nghệ cũng hỗ trợ đắc lực trong các hoạt động dập dịch. Nhiều bệnh viện, viện nghiên cứu và trường đại học tại Việt Nam đã tạo ra những nền tảng đáng tin cậy để truy tìm các trường hợp nghi nhiễm, đẩy mạnh sản xuất chất khử trùng tay, công bố những phát hiện lâm sàng quan trọng về bệnh và nghiên cứu sản xuất bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 chi phí thấp.
Project Syndicate cũng không quên đề cập đến cách làm truyền thông đơn giản nhưng đầy sáng tạo và gây hiệu ứng mạnh mẽ - video ca nhạc "Ghen Cô Vy" dựa trên ca khúc "Ghen" từng rất nổi tiếng trước đây.
Ca khúc này đã trở thành hiện tượng truyền cảm hứng toàn cầu sau khi xuất hiện trên chương trình Last Week Tonight with John Oliver của Mỹ. Video ca khúc này đã giúp xây dựng nhận thức cộng đồng về COVID-19 và tầm quan trọng của việc rửa tay.
Ngoài ra, nhiều người tham gia cách ly cũng đã cập nhật và đánh giá cao chất lượng các khu cách ly, thực phẩm và hoạt động kiểm dịch, xét nghiệm của Việt Nam qua các bài viết trên Facebook. Điều này khuyến khích mọi người vui vẻ tuân thủ quy định cách ly.
Bài viết kết luận kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy bằng cách tập trung vào đánh giá sớm rủi ro, truyền thông hiệu quả và hợp tác giữa chính phủ và người dân, một quốc gia có nguồn lực hạn chế hoàn toàn có thể kiểm soát đại dịch.
Một đội ngũ lãnh đạo quyết tâm, thông tin chính xác và sự đoàn kết sẽ giúp người dân bảo vệ chính mình và bảo vệ cộng đồng./.
Theo TTXVN