Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 1/6, dưới sự điều hành của Phó
Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội
trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Nâng cao hiệu quả trong hoạt động điều hành
Cho ý kiến về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội Danh
Út (Kiên Giang), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Huỳnh Thành (Gia Lai), Huỳnh
Văn Tiếp (Cần Thơ)... đồng tình với dự thảo Luật không quy định số
lượng, tên gọi các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Theo đại biểu Lê Đắc Lâm, việc không quy định “cứng” số lượng các Bộ, cơ
quan ngang Bộ trong Luật sẽ tạo sự chủ động hơn trong việc Quốc hội
quyết định các thành viên Chính phủ phù hợp trong từng thời kỳ phát
triển. Đầu nhiệm kỳ Quốc hội sẽ quy định cụ thể số lượng thành viên
Chính phủ để thực hiện các chức năng của Nhà nước.
Quan điểm khác, các đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Đặng Thị Kim Chi
(Phú Yên) cho rằng cần quy định cụ thể vấn đề này ngay trong Luật. Đại
biểu Phùng Đức Tiến cho biết sau một thời gian dài, cơ cấu tổ chức của
Chính phủ đã cho thấy sự ổn định, ít có biến động. Việc quy định cụ thể
thành viên Chính phủ, số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong Luật là
phù hợp, có tính ổn định lâu dài về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và các
chủ trương tinh giản bộ máy hành chính, biên chế. Chính phủ cần đi đầu
trong việc cụ thể hóa bộ máy, nhân sự để các Bộ, ngành, địa phương làm
theo.
Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) lại đề xuất dự thảo Luật
cần quy định cơ cấu tổ chức của một số Bộ, ngành “cứng,” không có sự
thay đổi (như Công an, Quốc phòng, Ngoại giao...), còn một số Bộ, cơ
quan ngang Bộ khác, có nhiệm vụ quản lý trong từng thời kỳ, sẽ được Quốc
hội quyết định ở đầu nhiệm kỳ khi phê chuẩn các thành viên của Chính
phủ. Điều này cũng đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới.
Quan tâm đến vị trí, cơ cấu tổ chức của các cơ quan ngang Bộ trong tổ
chức bộ máy của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu rõ
báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội cần bổ sung
thêm việc xác định vị trí pháp lý của các cơ quan này trong cơ cấu tổ
chức của Chính phủ.
Về số lượng cấp phó ở Bộ, cơ quan ngang Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, cơ
quan ngang Bộ, nhiều đại biểu cho rằng nên quy định ngay trong Luật.
Theo đó, số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là
không quá năm người, trường hợp đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ
Ngoại giao là không quá sáu người.
Tuy nhiên, còn một số đại biểu chưa thống nhất với quy định này. Đại
biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nêu quan điểm muốn xây dựng Nhà nước pháp
quyền, trước hết, phải có hệ thống pháp luật tốt. Mọi quy định trong
Luật phải rõ ràng, minh bạch, hạn chế tối đa những quy định “mở” dễ vận
dụng cách nào cũng đúng. Ngay cả các quy định đã đúng nhưng nếu trên làm
không chuẩn thì “sai một ly đi một dặm” dẫn đến tình trạng “nhờn” pháp
luật sẽ xảy ra ở nhiều nơi. Để góp phần tinh giản biên chế từ Trung ương
đến địa phương, cần hạn chế số lượng cấp phó một cách tối đa (kể cả đối
với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao).
Đại biểu dẫn chứng tại một số nước, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng không
có Thứ tưởng, chỉ có trợ lý. Một số nước khác có diện tích, dân số gấp
3-4 lần Việt Nam nhưng tổ chức bộ máy chỉ có Tổng thống và Phó Tổng
thống điều hành nhưng vẫn làm rất tốt.
Việc giảm đi 1/3 cấp phó so với quy định tại dự thảo Luật sẽ giúp bộ máy
Nhà nước vận hành tốt hơn; năng lực trình độ của người đứng đầu có điều
kiện thể hiện cao hơn, phát huy rõ hơn.
Cần quy định rõ hơn về trách nhiệm người đứng đầu
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền
hạn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) nêu quan điểm dự thảo Luật cần bổ sung
thêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, Thủ tướng
Chính phủ phải là người chịu trách nhiệm cao nhất với tư cách người đứng
đầu Chính phủ.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là người đứng đầu Bộ, cơ
quan ngang Bộ theo quy định cụ thể của Hiến pháp. Đó là việc thực hiện
bổn phận, nghĩa vụ trước Đảng, Quốc hội và nhân dân. Việc quy định như
vậy sẽ đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, nhấn mạnh hơn vai trò,
chức năng nhiệm vụ quản lý, điều hành tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Về lâu dài, việc quy định trách nhiệm người đứng đầu là cơ sở pháp lý để
nhằm từng bước hoàn thiện, phân định rạch ròi về tiêu chí định mức,
nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà
nước. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Bùi Thị An (Hà
Nội), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)...
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền khẳng định Chính phủ đã có Nghị định quy định
xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy
ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ
trách. Với trách nhiệm là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
có trách nhiệm lãnh đạo Chính phủ hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, trách
nhiệm được Quốc hội giao; đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; trực
tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bên cạnh đó, để phù hợp với quy định đối với Thủ tướng Chính phủ, đại
biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần quy
định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền hạn, nhiệm vụ, đặc biệt là trách nhiệm
của Chính phủ trong điều hành kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của
đất nước...; trách nhiệm của Chính phủ trong đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn về việc phân cấp,
phân quyền giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống
nhất của Chính phủ; đồng thời phát huy tốt quyền tự chủ, tự chịu trách
nhiệm của chính quyền địa phương, nhằm thực hiện nền hành chính dân chủ
thuộc về nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân./.
(TTXVN)