Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, kết quả dự báo của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy, xu hướng lạnh đi rõ rệt của nhiệt độ mặt nước biển so với các tháng trước đó dẫn đến khả năng mùa bão và áp thấp nhiệt đới trên lãnh thổ Việt Nam sẽ kéo dài.
Mùa mưa, lũ ở các khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ kết thúc muộn hơn so với trung bình nhiều năm, mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng cuối năm. Nền nhiệt độ trung bình trên toàn quốc có xu hướng giao động ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm.
Mùa mưa ở Nam bộ, Tây Nguyên kéo dài
Từ kết quả phân tích nêu trên, dự báo từ tháng 10 đến hết năm 2017, khả năng có khoảng 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, chủ yếu tập trung ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông. Trong số đó, có khoảng từ 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Trung bộ, Nam bộ. Ngoài ra, trong các tháng cuối năm, do hoạt động của rãnh thấp xích đạo, vùng biển Giữa và Nam Biển Đông, vùng biển phía Tây có thể xuất hiện mưa dông mạnh kèm tố, lốc và gió giật.
Khu vực Bắc bộ có lượng mưa trong tháng 10 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%, từ tháng 11-12 phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 15-30%. Lượng mưa ở khu vực Bắc Trung bộ trong các tháng cuối năm phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng tháng 10 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%. Tại khu vực Trung và Nam Trung bộ lượng mưa từ tháng 10 đến tháng 12 phổ biến cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm.
Trong tháng 10, lượng mưa tại khu vực Nam bộ phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm; khu vực Tây Nguyên có khả năng ở mức cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 11-12, lượng mưa phổ biến cao hơn khoảng 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mùa mưa trên khu vực này có khả năng kết thúc muộn hơn so với trung bình nhiều năm.
Về Thủy văn: Trong tháng 10, trên các sông Bắc bộ có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ, đỉnh lũ các sông ở mức dưới báo động 1. Từ tháng 11-12, nguồn nước trên các sông phổ biến ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-20%. Đỉnh lũ năm 2017 ở hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng ở báo động 1- báo động 2, xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ở mức báo động 2 - báo động 3, tương đương trung bình nhiều năm; nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét ở thượng lưu các sông chính và trên các sông suối nhỏ.
Nam bộ và Trung bộ đề phòng triều cường cao
Mùa lũ ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên có khả năng kết thúc muộn. Đỉnh lũ năm 2017 ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức trung bình nhiều năm (sông Tiền tại Tân Châu: 4,2m; sông Hậu tại Châu Đốc: 3,8m), thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10. Tuy đỉnh lũ ở mức trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nguy cơ tác động lớn đến khu vực.
Nguy cơ nước dâng do bão và sóng lớn vẫn sẽ tập trung ở ven biển Trung bộ. Ngoài ra, các đợt không khí lạnh gia tăng về tần suất vào các tháng cuối năm sẽ gây sóng lớn 3-4m tại khu vực biển ngoài khơi và 2-3m tại ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh-Cà Mau. Tại ven biển Nam bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày đầu của tháng 10, 11 và 12. Trong khi đó, tại ven biển Trung bộ, nhất là Phú Yên nguy cơ triều cường cao tập trung vào tháng 11 và 12 trong các đợt gió mùa Đông Bắc lấn sâu xuống khu vực này.
Văn Hào (TTXVN)