Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 13/4/2022 13:56'(GMT+7)

Quyết liệt xử lý tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân

Bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.

Bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.

Thực hiện quyết liệt yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, liên tục trong thời gian ngắn gần đây, hàng loạt vụ án về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục được đưa ra ánh sáng của luật pháp và công luận.

Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hải Dương (CDC Hải Dương), các đơn vị, địa phương liên quan bị phanh phui gần đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Sự quan tâm của dư luận là có căn cứ bởi không chỉ nhìn vào số lượng tổ chức, cá nhân liên quan tới vụ án cũng như số tiền tham nhũng bước đầu được cơ quan chức năng công bố mà còn bởi sự việc xảy ra trong một thời điểm vô cùng đặc biệt, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực, đồng lòng, nhường cơm sẻ áo để chống đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, khi mà sự đoàn kết, tương thân tương ái - một truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc Việt đang được phát huy mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua những tháng ngày cam go, khốc liệt nhất, chiến đấu chống lại giặc COVID, thì đâu đó, những người được Đảng và Nhà nước trao quyền, lại lợi dụng điều đó để thu lợi bất chính. Dư luận phẫn nộ, bất bình, niềm tin bị xói mòn.

Với quyết tâm xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Liên quan tới vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, tại Kỳ họp thứ 13, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 cũng như một số cá nhân.

Mới đây, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 bằng hình thức Cảnh cáo; đồng thời thi hành kỷ luật Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Quân y bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.

Những sai phạm của các tập thể và cá nhân trong vụ án này đang tiếp tục được khẩn trương làm rõ, theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị nêu rõ trong Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây. Đó là "chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có."

Trong khi vụ án Công ty Việt Á đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ, vào cuối tháng 3/2022, vụ án xảy ra tại ra Tập đoàn FLC, cùng nhiều nhân sự cấp cao của Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan tiếp tục được "gọi tên."

Cái tên đình đám trong giới chứng khoán: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị rơi vào vòng lao lý không chỉ gây xôn xao trong giới đầu tư mà còn khiến người dân rất quan tâm.

Hành vi "thao túng thị trường chứng khoán;" "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra trong tháng 1/2022, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam của Trịnh Văn Quyết đang được Bộ Công an khẩn trương điều tra làm rõ.

Liên tiếp sau đó, hai em gái của Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga và hai cộng sự Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh với vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán" đã bị khởi tố để điều tra làm rõ các sai phạm.

Gần đây nhất, một cái tên có tiếng trong giới bất động sản, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cũng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Cùng với Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, 6 bị can khác cũng bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Liên tục các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phanh phui trong thời gian vừa qua đều liên quan hoặc xảy ra trong lĩnh vực kinh tế. Trong giai đoạn cả đất nước đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau một thời gian dài COVID-19 hoành hành, việc xem xét, xử lý nghiêm minh, thẳng tay loại bỏ những ung nhọt để kinh tế-xã hội phát triển lành mạnh là điều rất quan trọng, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân cùng chung tay để phát triển đất nước.

Các vụ việc được đưa ra ánh sách một lần nữa khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng,” “không nghỉ,” không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công cuộc phòng, chống tham nhũng "không có vùng cấm," "không có ngoại lệ." Tất cả mọi sai phạm, bất kể người đó là ai nếu lạm quyền, làm trái để thu lợi bất chính chắc chắn đều phải trả giá.

Song song với quá trình hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân là rất quan trọng. Đây là vấn đề đã được Bộ Chính trị chỉ rõ trong Kết luận số 12-KL/TW mới được ban hành đầu tháng 4/2022, khẳng định rõ việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Chính trị yêu cầu "Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu."

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự ủng hộ đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, để "những con sâu không làm rầu được nồi canh," tiếp tục thắp sáng niềm tin của nhân dân với Đảng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất