Dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cùng đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp…
Ngày 6/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Giấy phép số 289/GP-BTTTTvề hoạt động của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử với tên miền https://suckhoetreem.vn. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu.
Phát biểu chúc mừng Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đây là bước phát triển quan trọng của Tạp chí Tình Thương và Cuộc sống sau hơn 20 năm phát triển. Đặc biệt, đối tượng chính của Tạp chí là hơn 2 triệu trẻ em khuyết tật cho thấy nhiệm vụ của Tạp chí là vô cùng quan trọng.
Đồng chí Lê Quốc Minh cũng đánh giá cao những định hướng phát triển mạnh mẽ của Tạp chí trong thời gian tới. Đặc biệt, Tạp chí xác định thúc đẩy phát triển mạnh mẽ điện tử bao gồm hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh với giao diện, công nghệ, ứng dụng, tiện ích hiện đại…
Nêu rõ cách làm báo hiện nay đi sâu vào những nội dung mang tính truyền cảm hứng, mang lại cái nhìn tốt đẹp cho xã hội, đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng, Tạp chí sẽ có nhiều “dư địa” để kể những câu chuyện xúc động, những tấm gương, mô hình tốt… lan tỏa đến đông đảo công chúng, bạn đọc. Từ đó tiếp tục đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phản biện các chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật.
“Tôi tin tưởng Tạp chí Sức khỏe Trẻ em sẽ cùng với rất nhiều báo, tạp chí dành cho trẻ em khác sẽ đóng góp quan trọng trong việc nuôi dưỡng, bồi dưỡng, hỗ trợ đào tạo một thế hệ mới trong tương lai”, đồng chí Lê Quốc Minh bày tỏ.
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: Tuyên truyền về trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật; cung cấp thông tin về các chính sách của Nhà nước đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng tránh tật nguyền. Tạp chí còn đóng vai trò làm cầu nối giữa các nhà khoa học, các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước với những người làm công tác chăm sóc trẻ em tại Việt Nam.
Đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao quá trình hoạt động của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống sau 21 năm xây dựng và phát triển, với những kết quả và thành tựu quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tạp chí đã bám sát tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ, đăng tải thông tin chính thống, kịp thời, chính xác về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trẻ em khuyết tật. Tuyên truyền công tác Hội, công tác xây dựng Hội; vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân chung tay giúp trẻ khuyết tật vươn lên; động viên cán bộ, hội viên thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, kịp thời cổ vũ các tấm gương tiêu biểu, nhất là trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái của dân tộc ta.
Đồng chí Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh, việc Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép đổi tên từ Tạp chí Tình thương và Cuộc sống thành Tạp chí Sức khỏe Trẻ em là cần thiết để giúp Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt nam và Tạp chí của Hội làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe trẻ em nói chung và trẻ em tàn tật nói riêng. Vì vậy, Tạp chí cần nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ để trở thành một trong những cơ quan báo chí truyền thông hàng đầu về chăm sóc trẻ em khuyết tật.
Tạp chí phải là diễn đàn, nơi giao tiếp, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, phản hồi ý kiến của bạn đọc về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em. Thường xuyên có các bài chuyên sâu có tính định hướng, góp phần dẫn dắt dư luận, nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức cán bộ, đảng viên và người dân về công tác trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Quán triệt nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Bám sát các quy định của Luật Người khuyết tật, nhất là quy định về trẻ em khuyết tật và Luật Trẻ em; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025...
Với phương châm trẻ em khuyết tật được thực hiện đầy đủ các quyền của mình, đây là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước của toàn xã hội. Với sứ mệnh “Nhân văn - Nhân bản - Nhân ái, Tạp chí Sức khỏe trẻ em không chỉ cung cấp thông tin mà còn hướng tới việc tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội. Tạp chí cần đề cao tính nhân văn trong từng bài viết, đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động xã hội ý nghĩa, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa yêu thương và sự sẻ chia đến cộng đồng. Đồng thời Tạp chí còn đóng vai trò làm cầu nối giữa các nhà khoa học, các tổ chức nhân đạo, độc giả trong và ngoài nước.., nâng cao chất lượng truyền thông đối với công ước Liên hợp quốc và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng.
Bên cạnh đó, Tạp chí cũng cần coi trọng xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đội ngũ cộng tác viên có tính chuyên nghiệp cao, có đạo đức, bản lĩnh chính trị, giàu kinh nghiệm, tâm huyết, được đào tạo bài bản và tuân thủ pháp luật.
Thay mặt cơ quan chủ quản, đồng chí Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho rằng, việc ra đời Tạp chí Sức khỏe Trẻ em thay cho Tạp chí Tình thương và Cuộc sống là một tất yếu, khách quan, phù hợp với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước cũng như đổi mới báo chí, đồng thời thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hai ấn phẩm in và điện tử, nhất là ấn phẩm điện tử ra đời là một yêu cầu cần thiết của báo chí, truyền thông đa phương tiện hiện đại trong thời đại công nghệ số 4.0 hiện nay. Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống, Tạp chí Sức khỏe Trẻ em cần đổi mới toàn diện để trở thành kênh thông tin thiết yếu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tạp chí Sức khỏe trẻ em phải là kênh thông tin chính thống, quan trọng, có nhiều đóng góp vào tuyên truyền, hỗ trợ… nhằm mục đích phòng tật cho trẻ em; chăm sóc, chữa tật, phục hồi chức năng cho trẻ em bị khiếm khuyết; hỗ trợ giúp trẻ em khuyết tật thoát khỏi khổ đau và bất hạnh, được bảo vệ và chăm sóc theo pháp luật của Nhà nước Việt Nam và Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc...
TS. Trần Doãn Tiến, nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khoẻ Trẻ em phát biểu.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc Lễ ra mắt, TS. Trần Doãn Tiến, nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khoẻ Trẻ em cho biết, với thông điệp “Vì nụ cười trẻ em”, sứ mệnh và mục tiêu quan trọng của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em trong thời gian tới và trong lộ trình phát triển 10 năm tới là tiếp tục đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phản biện các chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật. Toàn bộ hoạt động của Tạp chí sẽ kiên trì thể hiện một thông điệp truyền thông hết sức nhân văn: “Tạp chí Sức khỏe Trẻ em - Vì nụ cười trẻ em”, nhằm lan tỏa đến với đông đảo công chúng, bạn đọc, nhất là đối với trẻ em nói chung và hơn 4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trên 2 triệu trẻ em khuyết tật. Vì vậy, Tạp chí sẽ đổi mới đồng bộ, toàn diện về hình thức, nội dung trên cả hai ấn phẩm in và điện tử. Điểm nhấn, tạo bước đột phá trong lộ trình phát triển thời gian tới là ưu tiên thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Tạp chí điện tử bao gồm hai ngôn ngữ - tiếng Việt và tiếng Anh với giao diện, công nghệ, ứng dụng, tiện ích hiện đại như trí tuệ công nghệ nhân tạo AI, các tiện ích làm báo, tạp chí mới đa nền tảng, báo chí di động, báo chí dữ liệu...
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai trương bộ mới Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Tổng Biên tập Trần Doãn Tiến hy vọng với sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, doanh nhân cùng với những tấm lòng nhân văn, nhiệt huyết, tích cực vì cộng đồng, vì nụ cười trẻ em, những người làm Tạp chí Sức khỏe Trẻ em sẽ vững vàng bước tới một chặng đường phát triển mới tự tin, năng động và hiệu quả. Nỗ lực phấn đấu để trở thành một trong những kênh tuyên truyền hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ quyền lợi của trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trở thành người bạn và là nhịp cầu yêu thương, lan tỏa kiến thức và ý thức bảo vệ sức khỏe trẻ em đến đông đảo công chúng bạn đọc. Kỳ vọng rằng sự thay đổi trong chặng đường mới sẽ đáp ứng sự mong đợi của các ban, bộ, ngành, hội và công chúng bạn đọc. Điều đó không chỉ là một bước phát triển mới mà còn là lời cam kết mạnh mẽ về sứ mệnh của Tạp chí Sức khoẻ Trẻ em - luôn đồng hành, bảo vệ và chăm sóc cho trẻ em, những mầm xanh quý giá của xã hội./.
NHẬT MINH