Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 19/12/2014 16:56'(GMT+7)

Ra mắt sách 'Về cội nguồn Quân đội Nhân dân Việt Nam': Nhiều chuyện ít biết về bộ đội cụ Hồ

Sách tập hợp 22 bài viết, dày 284 trang thể hiện hành trình vào Nam ra Bắc của tác giả, đại đá Đoàn Hoài Trung, để đem đến cho độc giả nhiều điều ít biết về Quân đội Việt Nam

Hai vợ chồng trong ngày đầu thành lập quân đội

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) với câu hỏi giản dị: “Việc này giao cho chú Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) phụ trách, chú có làm được không?”.

Chiều ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp tập hợp 34 đội viên tuyên thệ trước cờ đỏ sao vàng thành lập quân đội sơ khai của Quân đội Nhân dân Việt Nam.


Đại tá Đoàn Hoài Trung

Tuy nhiên, trong sách Quân đội Nhân dân Việt Nam qua những chặng đường chiến đấu do NXB Quân đội Nhân dân in năm 1984, đại tá Đoàn Hoài Trung đọc được, có ghi rõ: “Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập… Đội có 34 người (có 3 nữ)”. Thế nhưng, khi Đoàn Hoài Trung lên Cao Bằng gặp cụ Bế Kim Anh, một trong 34 đội viên năm ấy, thì cụ ông khẳng định: “34 đội viên tuyên thệ ngày ấy tất cả đều là nam”. Khi vào rừng Trần Hưng Đạo, Đoàn Hoài Trung thấy trên bia lưu danh cũng không có một đội viên nữ nào.

Đem thắc mắc về sự không trùng khớp này dò hỏi khắp nơi, cuối cùng Đoàn Hoài Trung gặp được người thật việc thật. Trong buổi chiều tuyên thệ thành lập quân đội ngày 22/12/1944, đúng là chỉ có 34 người nam. Nhưng vẫn có 3 người nữ tham gia vào thời điểm ấy, gồm các bà Loan, Thanh, Cầm nhưng họ không đứng vào đội hình tuyên thệ như 34 người nam. Được biết, ba người nữ lo công tác hậu cần cho đội.

Tìm hiểu thêm, một trong ba người nữ có mặt trong buổi đầu thành lập quân đội có họ tên đầy đủ là Đàm Thị Loan, sinh năm 1925, người dân tộc Tày. Bà Đàm Thị Loan chính là vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái – một trong 34 người nam đã tuyên thệ trước cờ chiều 22/12/1944.


Bìa cuốn “Về cội nguồn Quân đội Nhân dân Việt Nam”

Người đội viên năm ấy duy nhất còn sống ở Lâm Đồng

10 năm trước, Đoàn Hoài Trung đã tìm đến địa chỉ nhà ông Tô Văn Cắm ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm ấy, Đoàn Hoài Trung đã gặp ba người đội viên thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân để viết về cuộc đời họ. Để có được địa chỉ liên lạc với ông Tô Văn Cắm, Đoàn Hoài Trung đã gặp ông Bế Kim Anh một trong 34 đội viên với ông Tô Văn Cắm ở Cao Bằng để xin địa chỉ. Ông Tô Văn Cắm vào Lâm Đồng năm 1992 sống với con cháu. Sau 10 năm, đến nay, chỉ còn duy nhất ông Tô Văn Cắm vẫn sống khỏe ở tuổi 93.

Ông Tô Văn Cắm, bí danh Tô Tiến Lực tham gia Việt Minh từ những ngày đầu cùng với anh em ruột trong gia đình. Dù nhiều người trong gia đình rất muốn vào đội tuyên thệ trước cờ năm ấy, nhưng chỉ mình ông được chọn. Ông Tô Tiến Lực tham gia trận đánh đầu tiên của quân đội ở Phai Khắt, Nà Gần và Nam tiến đóng quân ở Rạch Giá kháng Pháp. Năm 1946 trong một trận đánh ông bị thương phải rời đơn vị về quê. Thế nhưng năm 1947 Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta, ông lại xin tái ngũ. Năm 1950 trong chiến dịch biên giới, ông được bổ nhiệm làm trung đội trưởng pháo binh.

Cuộc đời ông Tô Văn Cắm không hề suôn sẻ, dù bị thương hai lần nhưng giấy tờ thất lạc nên ông không được hưởng chế độ thương binh, rồi ông lại phải làm lễ kết nạp Đảng vào năm 1969. Thế nhưng, ông vẫn luôn lạc quan. Đoàn Hoài Trung kể: “Tôi hỏi ông có uống rượu được không? Ông cười nói hai ngày mới uống một lần, nhưng đã uống phải một xị mới đã”.

Đại tá Đoàn Hoài Trung nói thêm: “Khi in cuốn sách này, tôi đã đến Lâm Đồng thăm cụ Tô Văn Cắm. Ở tuổi 93 ông vẫn rất khỏe mạnh, hiện cụ đã được hưởng chế độ thương binh và sống trong căn nhà tình nghĩa to đẹp, mỗi ngày cụ được cấp một tờ báo Quân đội Nhân dân”.


Theo Thể thao & Văn hóa


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất