Sáng 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy
ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã báo cáo 6 vấn đề
lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật: Về phân loại
đường bộ theo cấp quản lý (Điều 8); Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng
đường bộ (Điều 12); Về phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ
(Điều 17); Về chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì
kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 41); Về đầu tư, xây dựng, phát triển
đường cao tốc (Điều 47); Về phí sử dụng đường cao tốc (Điều 50).
Trong đó, về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc (Điều 47),
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, nội dung khoản 5
Điều 47 là phù hợp. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định về
trách nhiệm của cơ quan chủ trì, đầu mối trong việc kiểm soát tổng mức
đầu tư đối với các dự án được tách thành các tiểu dự án, dự án thành
phần. Vì vậy, trên cơ sở thống nhất với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu
quan, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ
Quốc hội cho bổ sung đoạn 2 khoản 5 Điều 47 để quy định nội dung này
như sau: “Trường hợp quyết định tách dự án thành các tiểu dự án, dự án
thành phần, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc giao cho
một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án bảo đảm
tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án; chịu trách nhiệm rà soát, điều hòa,
cân đối và thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư giữa các tiểu dự án, dự
án thành phần, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự
án đã được quyết định chủ trương đầu tư”.
Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 12), Thường trực
Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu, chỉnh lý khoản 1, khoản 2 Điều
này để phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/2/2022 của Bộ Chính
trị về quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thống nhất với quy định tại Nghị
quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại
đô thị. Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn quản
lý, sử dụng đất tại các đô thị hiện hữu, tiếp thu ý kiến của đại biểu
Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung điểm c
khoản 3 theo hướng quy định đối với một số đô thị có yếu tố đặc thù
ngoài quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 thì tỷ lệ đất dành
cho giao thông sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Nêu rõ đây là dự án Luật được đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan
tâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ
trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo tích cực tiếp thu ý
kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều Nghị
quyết cho phép thí điểm nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư,
quản lý đường bộ, đường cao tốc. Dưới sự điều hành quyết liệt của Chính
phủ, Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay công tác đầu tư, quản lý đường bộ,
đường cao tốc có nhiều tiến bộ.
Bày tỏ tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật quy định về
đường cao tốc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung mới so với
Luật hiện hành, có nhiều vấn đề được luật hóa từ thực tiễn đầu tư, xây
dựng đường cao tốc trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà
soát, chỉnh lý kỹ nội dung này, nhất là quy định về tiêu chuẩn, điều
kiện đường cao tốc; đầu tư xây dựng đường cao tốc; mở rộng đường cao
tốc; hình thức đầu tư…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá kỹ đường cao tốc thế nào là
đạt chuẩn, thế nào là chưa đạt chuẩn? “Cao tốc tại một số nước thấp
nhất là 4, 5 làn xe mỗi bên, còn mình thì cao tốc 3 làn xe, có nơi 2 làn
xe. Cao tốc Cần Thơ - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Trung Lương chỉ có 2 làn xe,
Trung Lương - Thành phố Hồ Chí Minh thì được 3 làn xe”, Chủ tịch Quốc
hội dẫn chứng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà
soát kỹ quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô
thị tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật. “Quy định như dự thảo Luật là quá
chi tiết và có những nội dung chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế
của các địa phương hiện nay. Bên cạnh đó, có một số nội dung không phù
hợp với xu thế phát triển trong tương lai của đô thị. Nếu quy định cứng
về tỷ lệ quỹ đất trong khi không kèm theo chế tài và biện pháp bảo đảm
thực hiện thì sẽ không khả thi”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ nên quy định mang tính
định hướng để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật; đồng thời phải đảm
bảo thống nhất với Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13./.
TTXVN