Theo báo cáo mới nhất từ cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc, một lượng khổng lồ các máy tính cũ và linh kiện điện tử không qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường tại Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Phi.
Cơ quan này đã tiến hành thu thập dữ liệu tại 11 quốc gia đồng thời dự đoán mức độ ảnh hưởng đối với từng quốc gia.
Theo đó, tới năm 2020, Trung Quốc và các nước Nam Phi sẽ thải ra một lượng máy tính gấp 400% so với con số năm 2007.
Trong một thập kỉ vừa qua, lượng rác thải công nghệ từ điện thoại di động đã tăng gấp 7 lần tại Trung Quốc và 18 lần tại Ấn Độ.
Nếu các quốc gia này không có những biện pháp cần thiết, lượng rác thải này sẽ hủy hoại môi trường và de dọa sức khỏe của nhân dân.
Một số quốc gia đã bắt đầu tái chế các linh kiện điện tử làm từ vật liệu quý và kim loại thành các thiết bị điện tử gia dụng. Tuy nhiên, con số này còn rất nhỏ so với lượng được thải ra môi trường.
“Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với tình trạng này. Rác thải điện tử cũng đang đe dọa sự phát triển của Ấn Độ, Brazilvà Mexico.”ông Achim Steiner, giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP).
Ông cũng kêu gọi các quốc gia như Brazil, Colombia, Mexico, Ma-rốc và Nam Phi thành lập các trung tâm xử lý chất thải ngay từ bây giờ.
“Rác thải của người này có thể là nguyên liệu của người khác” giáo sư Konrad Osterwalder của đại học Liên Hợp Quốc phát biểu. “Xử lý rác thải công nghệ là một bước quan trọng để tiến tới một nền kinh tế xanh”.
Dung Nguyễn - Tiền Phong