(TG)-Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình rất quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao dân trí, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa thông qua nhiều chủ trương, biện pháp có tính khả thi cao, trong đó là tập trung thực hiện tốt Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn.
Xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình được thành lập ngày 30/5/1998, nằm phía Tây, cách thành phố Đồng Hới15 km. Là một xã thuộc vùng đồi núi có đường dây điện cao thế 500kv của Quốc gia, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đi qua, hồ thủy lợi chứa nước Phú Vinh có dung tích 22 triệu m3, hằng năm phục vụ tưới nước cho 1.500 ha đồng ruộng cho 2 vụ đông xuân và hè thu và cung cấp 3,5 triệu m3 nước sinh hoạt cho cán bộ và nhân dân thành phố Đồng Hới.
Toàn xã có 06 thôn của 1.115 hộ gia đình với 4.363 nhân khẩu, sinh sống trên 4.529,45 ha. Chủ yếu các hộ gia đình của xã là những người từ 22 tỉnh, thành phố tụ tập về đây sinh sống. Trình độ học vấn của nhân dân nhìn chung còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ xã đều được đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác, 1/3 cán bộ công chức tốt nghiệp Đại học – cao đẳng hệ chính quy, còn lại phần lớn là tốt nghiệp Đại học hệ tại chức, có 01 công chức là thạc sỹ. Về cơ sở hạ tầng, xã có 01 trường Tiểu học, 01 trường Mầm non. Là một xã nằm trãi dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Đông hằng ngày có nhiều người ở các nơi đến đây làm ăn nên tình hình an ninh nông thôn khá phức tạp. Từ những đặc điểm này sẽ gây khó khăn cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh.
Ý thức được điều này, trong những năm qua Đảng bộ và chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao dân trí, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa thông qua nhiều chủ trương, biện pháp có tính khả thi cao, trong đó là tập trung thực hiện tốt Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn.
Từ nhận thức xã, phường, thị trấn (cấp xã) là cấp quản lý hành chính thấp nhất trong hệ thống quản lý hành chính Nhà nước ta, nhưng lại là cấp sâu sát nhất ở cơ sở. Vì vậy, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đi vào cuộc sống thì phải thông qua cơ sở, phải được thực hiện ở cơ sở mới tạo được phong trào trong quần chúng nhân dân. Thế nhưng, thực trạng cho thấy xã, phường, thị trấn cán bộ thường có trình độ còn thấp, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu trong khi đó các thông tin bị hạn chế, nhất là các thông tin về kiến thức khoa học, kỷ thuật, về triển khai thực hiện nghị quyết, về chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để giải quyết phần nào khó khăn này giúp cán bộ và quần chúng nhân dân ở xã, phường thị trấn có được thông tin chính thống, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thông tin kiến thức khoa học- kỷ thuật ứng dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất làm nghề tiểu thủ công nghiệp cũng như học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2009 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn và giao Văn phòng Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương kết hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật hàng năm in sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Thực hiện Quyết định số 47-QĐ/BTGTW ngày 28/02/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn, theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo thành phố Đồng Hới, Đảng ủy xã đã xác định đây là Đề án có tính chất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chính trị, củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong sự nghiệp đổi mới của đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tủ sách, đồng thời xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng sách của Đề án. Trước mắt UBND xã đã bố trí phòng đọc (thư viện) riêng, có đủ phương tiện phục vụ cho người đến đọc và bố trí công chức Tư pháp- Hộ tịch trực tiếp quản lý thông qua việc tiếp nhận và cho mượn cũng như tham mưu cho cấp ủy thông tin các nội dung quan trọng phục vụ tích cực cho việc Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh, sau này là Chỉ thị số 05-CT/TW về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua các buổi sinh hoạt, loa truyền thanh. Công chức Tư pháp- Hộ tịch hằng năm sau khi tiếp nhận sách về đã lập bảng danh mục tên các đầu sách, phân sách ra theo từng chuyên ngành riêng như phổ biến, giáo dục lý luận chính trị; pháp luật và kiến thức giải đáp cấp cơ sở; sách phục vụ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; công tác Đảng; công tác chính quyền ở cơ sở; sách về văn học nghệ thuật; sách bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin; sách phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt; đồng thời lập mã số cho từng cuốn sách và để theo từng ngăn tủ, đã giúp cho công tác quản lý sách được chặt chẽ và tạo thuận lợi cho người đọc; đồng thời tham mưu cho Đảng ủy triển khai kịp thời các ấn phẩm của Đề án đến cán bộ và nhân dân trong xã. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân dân có nhu cầu đọc sách, hàng tuần UBND xã mở cửa thư viện vào các ngày thứ 2, 4, 6 (trừ các ngày lễ, tết). Để quản lý số sách cho các đọc giả mượn, tránh thất thoát, công chức Tư-Pháp đã đóng sổ theo dõi ngày mượn và ngày trả; khi tiếp nhận sách mới, xã giới thiệu sách qua hệ thống loa truyền thanhh của xã để cán bộ và nhân dân được biết. Đối với trường hợp đọc giả trả sách quá hạn thì công chức Tư pháp- Hộ tịch đến tận nhà hỏi và thu lại nếu đọc giả đã đọc xong hay gia hạn thêm thời gian đọc cho đọc giả. Vì vậy, số sách cho mượn không bị thất thoát. Hàng quý, Đảng ủy tổ chức kiểm kê các đầu sách, xem xét để mua thêm các đầu sách cần bổ sung phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập và ứng dụng cho cán bộ, công chức. Từ năm 2009 đến nay, UBND xã đã dành phòng thư viện của trung tâm văn hóa xã để 4 tủ sách của Đề án, có bảng nội quy phòng đọc, bàn, ghế, quạt phục vụ chu đáo người đọc sách. Phần lớn các ấn phẩm của Đề án được cán bộ UBND xã tìm kiếm và đọc chủ yếu là cẩm nang cho công tác đoàn – đội, sách phục vụ công tác Đảng, công tác chính quyền tại cơ sở, sách về học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sách giải đáp kiến thức pháp luật phục vụ cho chuyên ngành của từng cá nhân, góp phần giải quyết những vướng mắc trong quá trình làm việc. Cán bộ hưu trí, nhân dân thường hay tìm đọc sách về pháp luật như về đất đai, dân sự, nghĩa vụ quân sự, Người cao tuổi, Hôn nhân và gia đình, kế toán, xây dựng, Bảo vệ chăm sóc trẻ em… Nhìn chung các đề tài sách của Đề án đảm bảo tính khoa học, có chất lượng cao. Nội dung biên soạn đã bám sát yêu cầu của cơ sở, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phục vụ tích cực cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; học tập, nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết và công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở…
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã đoàn kết nhất trí, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trên địa bàn. Kinh tế của địa phương chuyển dịch đúng hướng đó là phát triển Tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, giảm sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước, với mức tăng trưởng khá 18 – 20%, đời sống người dân càng được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,83%. Các hoạt động văn hoá- xã hội có nhiều tiến bộ, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ngày càng đi vào chiều sâu, tỷ lệ hộ gia đình văn hoá đạt 93%, thôn văn hoá các cấp đạt 85%, tình làng nghĩa xóm được bền chặt, giáo dục đào tạo được quan tâm đúng mức các trường học đều đạt chuẩn Quốc gia. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa và công tác nhân đạo từ thiện được người dân tích cực hưởng ứng tham gia. Nhiều gương người tốt, việc tốt ngày càng xuất hiện, các công trình trọng điểm của Quốc gia và của tỉnh nằm trên địa bàn được nhân dân bảo vệ an toàn, tỷ lệ hộ gia đình sinh con thứ ba và tình trạng vợ chồng ly hôn ngày càng giảm đáng kể, an ninh nông thôn được đảm bảo, các tệ nạn xã hội ngày càng bị bài trừ, hiệu quả phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại ngày càng phát triển và bền vững.
Từ những thành tích ở trên, Đảng bộ xã Thuận Đức được Thường trực Tỉnh ủy đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở, xã phường, thị trấn và tham luận tại Hội nghị Tổng kết 8 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức. Hy vọng, mô hình triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở, xã, phường, thị trấn của xã Thuận Đức ngày càng được nhân rộng ở tỉnh ta.
Trần Văn Bình
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình