Chuyện săn các cô gái chân dài không chỉ nóng trên các sàn diễn thời trang mà còn lan sang các môn thể thao vốn đòi hỏi vận động viên phải có chiều cao như bóng chuyền, bóng rổ. Các HLV than thở: “Tìm được một “chân dài” đã đỏ con mắt, đào tạo các nàng thành những cô gái “vàng” lại càng gian nan gấp bội.
Vừa thoáng thấy một cô gái cao kều- cỡ 1,73 m - thong thả chạy bộ trong khuôn viên sân Trung tâm TDTT quận Tân Bình - TPHCM, vị HLV bóng chuyền vội tìm cách tiếp cận. Ông hỏi han đủ chuyện rồi ngỏ ý mời cô vào đội năng khiếu bóng chuyền. Dù đã thuyết phục “ráo nước bọt”, vị HLV này chỉ nhận được nụ cười nhoẻn kèm cái lắc đầu của cô gái: “Em chỉ chạy bộ cho khỏe thôi, còn theo bóng chuyền chắc chắn gia đình em không chấp nhận đâu. Bố mẹ chỉ muốn em tận dụng ưu thế chiều cao để sau này làm tiếp viên hàng không”.
Như thể tìm chim...
Chuyện săn các cô gái chân dài không chỉ nóng trên các sàn diễn thời trang mà còn lan sang các môn thể thao vốn đòi hỏi vận động viên phải có chiều cao như bóng chuyền, bóng rổ. HLV Ngọc Linh, Trưởng Bộ môn Bóng chuyền Trung tâm TDTT quận Tân Bình, than thở:
“Không nơi đâu có nhiều bạn nữ cao lý tưởng như ở TPHCM, song chúng tôi rất khó khăn trong việc thuyết phục vì họ nêu cả 1.001 lý do. Đa số các “chân dài” nói thẳng chỉ muốn tập thể thao “nhẹ nhẹ” để có dáng vóc đẹp nhằm thực hiện giấc mơ sau này làm ca sĩ, diễn viên hoặc người mẫu!”.
Quanh năm suốt tháng tìm tòi, các HLV bóng chuyền, bóng rổ dường như đã hình thành “cố tật” nhìn đâu cũng coi thử có “chân dài” nào không. Đi trên đường, họ luôn nhìn ngang liếc dọc xem có “kẹp tóc” nào cao ráo để tiếp cận, xin địa chỉ rồi ghé nhà vận động gia đình. “Nhiều lúc, người đi đường không hiểu, thấy chúng tôi đuổi theo ngắm nghía các em kỹ quá nên nói bóng gió xỏ xiên, ngại ghê lắm” - một HLV bóng chuyền tiết lộ.
Chia sẻ nỗi khó khăn trong việc săn “chân dài” thể thao như thể tìm chim của các HLV, ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm TDTT quận Tân Bình, dù rất bận bịu nhưng mỗi lần nghe ở đâu có “chân dài” cũng đích thân đến mời gọi. Nhiều HLV cho biết ông Sơn “có số hên” khi tình cờ một lần đi đường phát hiện một “chân dài” và đã mời cô này về đội bóng chuyền của quận. Sau này, cô trở thành chủ công khá nổi bật của đội bóng chuyền nữ Tân Bình.
Về tận vùng sâu, vùng xa
Tuy khó khăn trong việc săn “chân dài”, song các HLV “lò” bóng chuyền Tân Bình, “lò” bóng rổ sân Tao Đàn... chẳng hề nản chí. Họ đến các trường học ở TPHCM, gặp gỡ người quen để rải “ăng-ten” khắp nơi, hy vọng “biết đâu hên tìm ra nhân tài đang lẩn khuất đâu đó”. Nguyễn Ngọc, một học sinh cao gần 1,7 m hiện đang học tại Trường THPT L.H.P, cho biết cô từng chơi bóng chuyền, bóng rổ và nhận được rất nhiều lời mời vào các đội tuyển, nhưng gia đình dứt khoát không chấp nhận vì muốn Ngọc phải tập trung tối đa cho việc học.
Săn “chân dài” thể thao đã khó càng khó hơn vì chỉ ở TPHCM thôi, đã có rất nhiều đội tuyển cũng cần người. Đụng nhau thường xuyên trong chuyện săn tìm “chân dài”, các HLV quyết định chuyển hướng về các vùng sâu, vùng xa. “Tụi tôi đang tranh nhau về miền Tây Nam Bộ, vì bây giờ kiếm “chân dài” tại TPHCM khó như hái sao trên trời” - một HLV than vãn.
|
Các HLV Tân Bình hết sức vui mừng khi có được một đội hình 16 “chân dài” đang học lớp 10 nhưng cao như... tre miễu! |
Cuộc cạnh tranh săn tìm “vốn quý” này càng lúc càng gay gắt hơn. HLV Phong Hảo, Trung tâm TDTT Tao Đàn, kể lại một lần về miền Tây tuyển quân: “Khi vừa nghe tôi bày tỏ ý định mời cô con gái “rượu” lên TPHCM tập luyện thể thao, người cha gạt phăng: “Không đi đâu hết! Ai biết các ông đưa con gái tôi đi đâu?”! Thẳng thừng như thế nhưng sau một lúc nghe tôi giải thích, người cha nông dân chân chất ở vùng sâu ấy cũng mềm lòng”.
Không dám “đụng” tới vùng Long An, Tiền Giang - nơi có các CLB bóng chuyền, bóng đá Bình Điền, Hoàng Long - Long An “mạnh vì gạo bạo vì tiền” đã bao sân - các HLV Tân Bình chọn miệt Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre; còn HLV quận 1 thì lúc lên tận Đà Lạt khi xuôi về Hậu Giang để săn tìm. HLV Nguyễn Văn Phi (quận 1) kể lần đầu đi tuyển quân ở Hậu Giang, dù được người quen khuyến cáo từ trước nhưng ông vẫn tự ái suýt bỏ về, vì bị các phụ huynh “quay như dế”.
Ông Phi nhớ lại: “Nhiều phụ huynh vì quá cảnh giác đã nói như mắng chúng tôi: “Mấy ông đem con tôi đi rồi bán không chừng!”. Trước những tình huống gay cấn như vậy, các HLV phải cố “uốn ba tấc lưỡi” thuyết phục, như chịu hoàn toàn trách nhiệm về tương lai và chuyện học hành của các em. HLV Ngọc Linh cho biết với những phụ huynh khó tính, ông còn phải trưng ra hình ảnh đội bóng chuyền nữ Tân Bình với nhiều người nổi danh để thuyết phục. Vậy mà, cũng không ít lần các HLV phải tiếc đứt ruột khi không tài nào mời được một số “chân dài” cực kỳ “chuẩn”- mới học lớp 9 mà đã cao trên 1,75 m, thậm chí có những thôn nữ suốt ngày ngoài đồng nhưng cao cỡ chủ công tuyển VN Ngọc Hoa (trên 1,8 m).
Người miền Tây vốn chất phác và tình cảm, song để họ đồng ý cho con em mình rời làng quê lên phố thị thì không đơn giản chút nào. “Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi còn bao xe, đưa gia đình các “chân dài” lên trung tâm ăn ở để họ tận mắt chứng kiến nơi ăn chốn ở và điều kiện tập luyện trong tương lai của con em” – HLV Nguyễn Văn Phi cho biết.
Đền đáp xứng đáng
Sau biết bao hành trình gian nan, công sức của các HLV đầy tâm huyết với bóng chuyền, bóng rổ TPHCM cũng được đền đáp xứng đáng. Giờ đây, các HLV bóng rổ CLB Tao Đàn hoàn toàn tự hào với một dàn “chân dài” gồm 15 cô gái chỉ mới 15-16 tuổi nhưng có chiều cao trung bình trên 1,7 m. Còn các HLV Tân Bình tới nay vẫn chưa hết vui mừng khi “chào sân” được một đội hình 16 “chân dài” đang học lớp 10 nhưng cao như... tre miễu!
Các HLV tâm sự: “Đưa các em xa vòng tay gia đình, làng quê để lên phố thị theo nghiệp thể thao, chúng tôi gánh một trách nhiệm rất lớn, vừa làm thầy vừa thay cha mẹ để các em sau này không chỉ thành danh mà còn nên người. Tuy nhiên, tìm được một “chân dài” đã đỏ con mắt, đào tạo các nàng thành những cô gái “vàng” lại càng gian nan gấp bội”. |
(Theo Tin tuc Online)