Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các hiệp định thương
mại tự do, thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam tiếp tục được mở rộng.
Điều này được thể hiện rõ qua kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản
luôn tăng khá, đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu,
ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng xuất khẩu ổn định, là
trụ đỡ cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại, Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh. Hoạt động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông sản
trong nước, cải thiện đời sống nông dân và phát triển mối quan hệ đa
phương, hiệu quả với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ vậy, thị trường
tiêu thụ nông - lâm - thủy sản được mở rộng với trên 180 quốc gia và vùng
lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD.
Hội nhập kinh tế đã giúp nông sản Việt Nam vượt qua rào cản thuế
quan, nhất là đối với những nông sản mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu
như gạo, thủy sản, đồ gỗ... Việc gia nhập vào nền kinh tế khu vực và thế
giới cũng giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn nguyên liệu ổn định hơn cho
sản xuất, có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh, thúc đẩy nhập khẩu
hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu.
Điển hình với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương (CPTPP), theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và
Phát triển thị trường nông sản, những cơ hội có thể nhìn thấy ngay dựa
trên dữ liệu thương mại là mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp
cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể.
Hiệp định còn tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu
tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế,
đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu
sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Nông - lâm - thủy sản Việt Nam có
cơ hội tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các quốc gia thành viên khác trong CTPPP là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành công nghiệp gỗ, nhưng cho
tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được hết
lợi thế từ các thị trường này.
Nhập khẩu gỗ từ các nước trong nội khối CTPPP sẽ được hưởng các lợi
ích trong việc chứng minh được xuất xứ (C/O) dễ dàng, thuận lợi; gỗ được
sơ chế với công nghệ tiên tiến đảm bảo gỗ có chất lượng cao; đặc biệt
đây là nguồn cung ứng gỗ có sản lượng khai thác lớn và ổn định hàng năm,
đảm bảo tính hợp pháp.
Liên quan đến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ, Hiệp định Đối tác tự
nguyện (VPA) về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại
lâm sản (FLEGT) giữa Việt Nam và EU được xem là sẽ tạo điều kiện thúc
đẩy tăng trưởng nhóm mặt hàng này sang thị trường lớn đang có tiềm năng
phát triển mạnh.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà
Công Tuấn, EU là thị trường lớn thứ tư của Việt Nam, chiếm tỷ trọng
13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ. Việt Nam sẽ có điều kiện để thúc
đẩy tăng trưởng xuất khẩu hơn nữa nếu thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT
nghiêm túc.
Không chỉ tạo ra cơ hội trong xuất nhập khẩu hàng hóa, quá trình hội
nhập đã tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng
khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh
và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều kỹ thuật tiên tiến và các tiêu chuẩn kỹ thuật như VietGAP, ISO,
HACCP… trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đã và đang được áp dụng tại
Việt Nam. Các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm và kiểm dịch
động, thực vật của Việt Nam có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế tham
chiếu ngày càng tăng, giúp nông sản Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu
hơn vào thị trường khó tính.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tập
trung thực hiện các nhiệm vụ về phát triển thị trường nước ngoài, ưu
tiên những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao, tháo gỡ rào cản, vướng
mắc cho xuất khẩu.
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: TTXVN)
Đến nay, nhiều rào cản về thị trường nông sản xuất khẩu đã được tháo
gỡ kịp thời; tăng cường cung cấp thông tin chính thống về nông sản sạch,
an toàn và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến đến các thị
trường nhập khẩu để người tiêu dùng nước ngoài hiểu rõ và tin cậy hơn
đối với nông sản Việt Nam.
Điểm nổi bật trong xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế trong
năm qua của ngành là sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại 2 khu vực
thị trường lớn Trung Quốc và EU.
Tại thị trường Trung Quốc, Bộ đã tổ chức các đoàn công tác sang làm
việc với các cơ quan chức năng kết hợp tổ chức/tham gia các hoạt động
xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản.
Tại thị trường EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chuyển
hướng tiếp cận mới cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp
thông qua các hoạt động tăng cường sự hiện diện của nông sản Việt Nam
tại các siêu thị lớn và chợ đầu mối quan trọng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại,
quảng bá nông sản tại Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước thuộc ASEAN và hoạt
động thúc đẩy thương mại, giải quyết vướng mắc cho cá da trơn tại Hoa
Kỳ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
cho biết, Bộ cũng như các đơn vị chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh tổ chức
phổ biến các FTAs, CPTPP, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động
hiệu quả tại các thị trường đã có FTA; tăng cường đàm phán mở cửa thị
trường, cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác,
các quốc gia khác để hướng dẫn các doanh nghiệp có phản ứng phù hợp,
kịp thời.
Bộ sẽ chủ động triển khai những giải pháp tăng cường quản lý, kiểm
soát hàng rào kỹ thuật, bảo đảm nhu cầu và bảo hộ hợp lý sản xuất theo
quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế.
Bộ triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ
thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận
công nhận lẫn nhau trong kiểm dịch, bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn
thực phẩm./.
(TTXVN)