Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 1/2021 tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng này, đa số doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Cụ thể, trong tháng 1/2021 có 26/30 ngành cấp II có chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các ngành có mức tăng cao, gồm: chế biến gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 97,4%, sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại khác (87,6%); sản xuất xe có động cơ (86,4%); in, sao chép bản ghi các loại (64,1%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (63,7); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (61,9%); sản xuất thiết bị điện (61,8%)...
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 tăng 43,7% so với cùng kỳ năm truớc, tăng hơn 9,2 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp; trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 61,9%; ngành hóa dược (51,7%); ngành cơ khí (44,3%); ngành lương thực thực phẩm và đồ uống (27,3%)...
Ngoài ra, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2021 tăng 37,4%, nhưng chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 22,1% so cùng thời điểm năm trước. Cụ thể, một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp như sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất thiết bị điện...
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nhờ biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nên TP Hồ Chí Minh đã từng bước khôi phục hoạt động kinh tế khiến cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố trong những tháng gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất đã dần phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu những chính sách mới, nhất là Nghị quyết về Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Về phía doanh nghiệp phải chủ động và tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, liên hệ khách hàng và có những đề xuất mở cửa thị trường xuất, nhập khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp tập trung vào những mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn, thị trường chủ yếu...
Báo cáo của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 3.638,3 triệu USD, giảm 15,2% so tháng trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 3.548,3 triệu USD, giảm 15,7% so với tháng 12/2020.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2021 đạt 716,6 triệu USD, tăng 20,3% so cùng kỳ (chiếm 22,6% tỷ trọng xuất khẩu và thâm hụt thương mại lên đến 898,9 triệu USD).
Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu đạt 494,1 triệu USD, giảm 11,9% so cùng kỳ (chiếm 15,6% tỷ trọng xuất khẩu và thặng dư thương mại đạt 294,5 triệu USD); còn xuất khẩu của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh sang các thị trường châu Âu (Hiệp định EVFTA) trong tháng 1/2021 đạt 463,9 triệu USD, tăng 23,7% so cùng kỳ năm 2020.
Theo các sở, ngành TP Hồ Chí Minh, năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp và làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu hàng hóa của thành phố vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Đây là nền tảng thuận lợi để doanh nghiệp bước vào năm 2021 với những cơ hội và nỗ lực mới để chinh phục thị trường, cũng như đáp ứng sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Đơn cử, tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, cũng như kinh tế Việt Nam. Hầu hết hoạt động thương mại, dịch vụ bị tác động lớn từ tâm lý lo ngại dịch bệnh, đồng thời thu nhập người tiêu dùng chịu ảnh hưởng nên nhu cầu mua sắm tiêu dùng năm nay cũng có xu hướng giảm./.
Theo TTXVN