Bến Tre - "mảnh đất thành đồng," nơi được mệnh danh là địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, là cái nôi của phong trào Đồng khởi, nơi sinh ra đội quân tóc dài anh hùng.
Cũng chính nơi "ba đảo dừa xanh" ấy đã sinh ra người con ưu tú, nhà trí thức yêu nước, người cộng sản kiên trung, vị kiến trúc sư tài năng, sáng tạo Huỳnh Tấn Phát - tấm gương sáng để các thế hệ sau học tập, noi theo.
Người cộng sản kiên trung, mẫu mực
Ông Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại xã Châu Hưng (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), mất ngày 30/9/1989. Ông là nhà trí thức có uy tín lớn; nhà lãnh đạo giữ nhiều cương vị quan trọng, luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân; tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; kiến trúc sư tài năng, sáng tạo, người cộng sản kiên trung, mẫu mực.
Với tư chất thông minh, được học tập và rèn luyện tốt, sinh viên Huỳnh Tất Phát tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1938.
Mang theo hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng, trí tuệ làm đẹp cuộc đời, trí thức Huỳnh Tấn Phát đã "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu," tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng giữ các chức vụ quan trọng. Đầu năm 1959, ông ra chiến khu, được cử làm Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn-Gia Định.
Năm 1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I, ông được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Ngày 6/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền nam Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Quốc hội khóa VI cử ông làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 1981, Quốc hội khóa VII cử ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6/1982, ông được cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Năm 1983, Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông là đại biểu Quốc hội các khóa: I, II, III, VI, VII, VIII.
Dù ở cương vị công tác nào, ông Huỳnh Tấn Phát cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân; phát huy phẩm chất kiên cường, đạo đức trong sáng, là tấm gương người cộng sản tiêu biểu "tận trung với nước, tận hiếu với dân."
Với nhiều công lao và thành tích đối với cách mạng, ông Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết.
Tại lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh ông Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913-15/2/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trọn đời đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, ông Huỳnh Tấn Phát đã hoạt động không ngừng nghỉ, phấn đấu hết sức mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, vì lý tưởng cộng sản cao đẹp.
Cuộc đời của ông Huỳnh Tấn Phát rực sáng những tình cảm sâu sắc đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Học tập, noi theo gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Tấn Phát luôn phấn đấu không ngừng trên hành trình khát vọng: Tổ quốc được độc lập và thống nhất; nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc; nhân loại được sống trong hòa bình và hữu nghị.
Ông Huỳnh Tấn Phát là tấm gương sáng về tinh thần suốt đời học tập, tu dưỡng, rèn luyện, vươn tới tầm cao của trí tuệ, trở thành nhà trí thức, một nhân cách lớn. Trong sinh hoạt và tác phong hàng ngày, ông Huỳnh Tấn Phát là một mẫu hình giản dị, thanh tao, khiêm nhường; luôn cởi mở, chân tình; mọi người có dịp gần gũi đều cảm nhận ở đồng chí dáng dấp của những người thân yêu nhất trong gia đình, vừa nghiêm khắc, vừa thân thiết, độ lượng và đầy tính nhân văn.
Tình cảm chân thành, sâu sắc của đồng chí không chỉ dành cho đồng bào, đồng chí, mà còn sâu đậm, gần gũi, thắm thiết với Đảng bộ và nhân dân Bến Tre - quê hương nghĩa nặng tình sâu đã sản sinh, nuôi dưỡng, hình thành lên nhân cách lớn Huỳnh Tấn Phát.
Giữ gìn và phát huy tấm gương ông Huỳnh Tấn Phát
Một ngày tháng 2/2023, chúng tôi tìm về ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, viếng thăm đền thờ ông Huỳnh Tấn Phát. Đó là công trình kiến trúc có quy mô khiêm tốn, một tầng, mái ngói được xây dựng ngay trên phần đất của dòng họ Huỳnh; thể hiện đúng lối sống giản dị, thanh bạch, khiêm nhường của cụ.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết thời gian tới, Sở sẽ gắn kết việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích Đền thờ ông Huỳnh Tấn Phát trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tỉnh sẽ tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của di tích lịch sử-văn hóa nói chung và di tích Đền thờ ông Huỳnh Tấn Phát nói riêng, để nhân dân, nhất là thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về lịch sử, góp phần xây dựng, nuôi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn."
Mặt khác, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch nâng cấp mở rộng để đền thờ ông Huỳnh Tấn Phát trở thành khu lưu niệm. Công trình có nhiều hạng mục: đền thờ, nhà bia, phòng trưng bày, phòng chiếu phim tư liệu, không gian sinh hoạt truyền thống, khu vực dịch vụ, các hạng mục phụ trợ đi kèm cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý di tích, bố trí nhân viên thuyết minh chuyên nghiệp, hướng dẫn khách tham quan...
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ khẳng định để tỏ lòng tri ân và trân trọng sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ trước, thời gian qua, với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn," Đảng bộ và nhân dân Bến Tre quan tâm đầu tư xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có khu di tích ông Huỳnh Tấn Phát để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Đặc biệt, dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh ông Huỳnh Tấn Phát, cùng với cả nước, Bến Tre đã có nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có đề án trùng tu, tôn tạo, nâng cấp Đền thờ ông Huỳnh Tấn Phát với quy mô của tỉnh.
Khu di tích hoàn thành sẽ là nơi để nhân dân đến thăm viếng, tham quan, nghiên cứu, học tập về cuộc đời và sự nghiệp của ông Huỳnh Tấn Phát, thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với bậc tiền nhân đã có công với đất nước.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục kế thừa, giữ gìn, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, noi gương ông Huỳnh Tấn Phát, tiếp tục đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh; tập trung nỗ lực, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh và bền vững.
Tỉnh quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cải thiện cuộc sống của người dân; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu đưa Bến Tre trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.
Chương Đài (TTXVN/Vietnam+)