Vì vậy, bên cạnh việc từng đơn vị cố gắng, đòi hỏi nhân tố quan trọng là chính quyền phải sáng suốt, minh bạch và quyết liệt thì mới đảm bảo giải quyết được các tồn tại, hạn chế.
Cũng tại hội trường, Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận Trịnh Xuân Thiều đánh giá, các nghị quyết của Đảng đã đề cập đến nhiều nội dung, lĩnh vực trong kinh tế, đời sống xã hội. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đề ra trong các nghị quyết khá cao so với điều kiện thực hiện nên kết quả triển khai khó đạt. Ví dụ, chỉ tiêu chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp là vô cùng khó khăn. Chỉ tiêu di dời nhà trên và ven kênh rạch… cũng rất khó đạt. Tương tự, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cũng bày tỏ lo lắng về khả năng hoàn thành các chỉ tiêu 7 chương trình đột phá. Vì vậy, sắp tới TP cần tính toán kỹ về khả năng, nguồn lực thực hiện và rà soát kỹ, chọn đúng những nội dung, công việc sẽ thực hiện được trong nhiệm kỳ. Thông tin này cần công khai để nhân dân giám sát. “UBND TP với tư cách là tư lệnh, phải chỉ đạo, cân đối nguồn lực cụ thể”, đồng chí Trương Văn Lắm nhận xét và phân tích, nếu không cụ thể thì không thể thực hiện đạt kết quả như kế hoạch đặt ra. Cùng với đó là việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu sở - ngành và công khai kết quả để nhân dân biết, tin tưởng.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đánh giá hiện nay có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức co thủ trong hành động và thiếu sự năng động, sáng tạo. Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm nhận xét, giữa năng động sáng tạo với cố ý làm trái là rất gần. “Muốn khen thì nói năng động sáng tạo, muốn quy kết thì nói cố ý làm trái”, đồng chí Trương Văn Lắm phân tích và dẫn chứng, trong thời gian qua, trước thực tế nhiều cán bộ bị “bắt giò” rất căng thẳng, đã dẫn đến tâm lý “thôi, thà chậm mà chắc”. Chậm thì không ai bị cách chức, không ai bị kiểm điểm, cũng không ai bị xử lý kỷ luật. Ngược lại, nếu nhanh, sơ hở thì bị xử lý. Nhưng nếu như vậy, thì TP sẽ chậm phát triển.
Trước thực trạng này, các đại biểu cho rằng, nếu không khơi dậy được tính sáng tạo, không có vượt rào thì không thể đổi mới. Bí thư Quận ủy quận Tân Phú Nguyễn Thành Chung đề nghị TP cần khơi dậy niềm tự hào của người dân TP trong việc đi đầu về sáng tạo, đột phá. Chia sẻ về nội dung này, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, phải bước ra khỏi vùng an toàn mới sáng tạo được. Đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin, thời gian qua, cơ quan thanh tra Chính phủ và TPHCM tiến hành thanh tra một số cơ quan, đơn vị. Qua đó có phát hiện một số vấn đề, có những sự việc xảy ra từ trước đây và yêu cầu chấn chỉnh. Cơ quan thanh tra xem xét từng vấn đề dựa trên hệ quy chiếu là pháp luật. “Đây là vấn đề tốt”, đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá và cho biết thực tế TP cũng có vấn đề này vấn đề khác. Cái nào đúng thì khẳng định, cái nào sai thì sửa. Thực tế hoàn toàn khác với điều mà chúng ta cứ ngộ nhận là thấy thanh tra chỗ nào thì chỗ đó cũng sai và thấy chỗ nào cũng sai rồi thì không ai dám làm gì hết. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý, bài học rút ra là làm đúng pháp luật và TP luôn cần tinh thần hành động, sáng tạo.
Đổi mới để gỡ vướng 7 chương trình đột phá
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong thời gian nửa nhiệm kỳ qua, TPHCM đã đạt được một số kết quả và giữ được vị trí đầu tàu ở nhiều mặt then chốt. Tuy nhiên, TP chưa hài lòng với những kết quả đạt được. Đặc biệt, đối với 7 chương trình đột phá, nếu TP không thay đổi cách làm, không đổi mới sáng tạo thì sẽ không hoàn thành.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng và phân tích sâu về những chỉ tiêu của 7 chương trình đột phá khó có thể hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ. Đơn cử như chỉ tiêu về cải cách hành chính (nhất là chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số về cải cách bộ máy tổ chức và sự hài lòng của người dân…). Trong chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, điểm nghẽn lớn nhất là chỉ tiêu về vận tải hành khách công cộng. Cùng với đó, một số chương trình cũng gặp vướng mắc chung về vốn, như chương trình chống ngập hiện còn khoảng 63% vốn (với khoảng 46.000 tỷ đồng) chưa cân đối được. Ở chương trình giảm ùn tắc giao thông, nhu cầu vốn cho cả nhiệm kỳ cần 126.000 tỷ đồng và đứng trước nguy cơ không đủ vốn triển khai thực hiện.
“Nếu không thu hút, không sử dụng vốn xã hội thì không cách nào hoàn thành các chương trình đột phá vào cuối nhiệm kỳ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và yêu cầu đẩy mạnh chính sách xã hội hóa đầu tư, tạo vốn, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong bối cảnh ngân sách có hạn nhưng phải cân đối cho nhiều chương trình nên cần ưu tiên vốn ngân sách cho các công trình có tiến độ giải ngân cao, công trình cấp bách, công trình có khả năng hoàn thành trong nhiệm kỳ. Về vốn, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, TPHCM vừa được Trung ương chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000ha đất nông nghiệp sang phục vụ công nghiệp, dịch vụ. Đây sẽ là nguồn lực lớn đối với TPHCM (dự kiến đấu giá sẽ mang về ít nhất 1,5 triệu tỷ đồng) nên TP sẽ xây dựng quy trình, quy chế thực hiện việc chuyển đổi, đấu giá.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định sẽ đổi mới cách thức triển khai 7 chương trình đột phá, trong đó lãnh đạo UBND TP phụ trách và thành viên Ban Thường vụ TP sẽ cùng tham gia. Tổ này sẽ rà soát về nguồn vốn triển khai thực hiện, về việc người dân tham gia và có yêu cầu đảm bảo trật tự kỷ cương. Ở từng chương trình, cũng phải xem xét việc ứng dụng công nghệ mới. Mỗi quý, TP phải xác định một số danh mục số việc phải hoàn thành trong quý để theo dõi, thực hiện với tinh thần mỗi cấp phải chọn luôn vấn đề và xác định thời điểm kết thúc, không để kéo dài… Ngoài ra, TP cũng phải nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch logistics với sự tham gia liên ngành quy hoạch, giao thông, công thương.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến giải pháp hoàn thiện thể chế của TP theo phương châm coi nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất; coi sáng tạo của người lao động là động lực mạnh mẽ nhất để phát triển. Do đó, căn cứ trên những thành tựu và những tồn tại, mỗi cơ quan, mỗi cấp ủy phải thảo luận xác định từng đầu việc cần phát huy và phải trả lời những việc cần thay đổi. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ công chức, mỗi kỹ sư, mỗi người lao động là một người sáng tạo.
“Con người đổi mới là động lực để tạo hiệu quả hơn, góp phần đảm bảo TPHCM phát triển hơn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và phân tích, dù TPHCM có cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội nhưng quá trình triển khai thiếu sáng tạo cũng không đạt được kết quả. Vì vậy, TP cần quyết liệt triển khai Nghị quyết 54 và thực hiện cùng với 2 chuyên đề bổ sung về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư theo hướng vấn đề có lợi cho dân thì triển khai. Cùng với đó là chuyên đề kết nối doanh nghiệp, nhà khoa học và quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng phải tiếp tục nâng cao sức chiến đấu và chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng và khuyến khích sự đóng góp, đánh giá của người dân đối với cán bộ. Ở đâu có tổ chức đảng ở đó người dân được góp ý thiết thực đánh giá cán bộ, đảng viên.
Mong người dân tham gia giải quyết kẹt xe, ngập nước
Chiều tối 6-7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì họp báo thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X.
Trả lời câu hỏi về ba vấn đề nhức nhối mà người dân quan tâm - kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường - TPHCM có đột phá gì trong nửa cuối nhiệm kỳ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, các chương trình đột phá về 3 vấn đề này đều có kết quả cụ thể nhất định. Song, nếu không đổi mới cách làm, không đảm bảo nguồn vốn thì ít nhất 2/3 chương trình sẽ không đạt yêu cầu. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, các chương trình này cần nguồn vốn rất lớn. Và nguồn vốn ở đâu, thì trách nhiệm của TP là phải rà soát lại, diễn đạt các bài toán đặt ra để khắc phục kẹt xe, ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường thành các dự án đầu tư. TP phấn đấu các dự án phải đạt tỷ lệ nhất định (khoảng 30% - 50%) từ nguồn vốn xã hội hóa.
Cùng với đẩy mạnh xã hội hóa đảm bảo vốn, một cơ chế mới trong tổ chức điều hành cũng được triển khai. Các chương trình do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP trực tiếp phụ trách; Ban Thường vụ Thành ủy TP cử người cùng tham gia, vừa hỗ trợ vừa giám sát. Đồng thời, về cách làm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ, là phải xác định rõ thời điểm kết thúc đầu việc. Hàng quý, trên một số lĩnh vực người dân quan tâm, phải xác định dự án nào, phần việc nào phải hoàn thành. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tầm quan trọng về sự tham gia của người dân: “Muốn giảm kẹt xe thì người dân cần đi đúng tuyến. Muốn giảm ngập nước, thì không xả rác. TP kêu gọi, mỗi người dân là một người đóng góp vào giảm kẹt xe, ngập nước”. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, TP cũng áp dụng công nghệ khoa học mới vào xử lý kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường.
Về đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho hay, trong tình hình hiện nay, TP đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đề cập việc một số cán bộ bị kỷ luật có tác động đến quá trình phát triển của TP hay không, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, nếu cán bộ sai phạm, dân biết mà không xử lý sẽ gây bất lợi. Trường hợp cán bộ sai phạm, dân không biết, tổ chức xử lý và thông báo công khai sẽ củng cố niềm tin. Nhưng (việc xử lý cán bộ - PV) phải làm chặt chẽ, không vội vã. “TP chấn chỉnh yếu kém, vi phạm vẫn phải xử lý, song đó là thiểu số. Còn cái lớn nhất, bao trùm nhất và nhiều người làm được nhất đó là sáng tạo. Số đông sáng tạo, người sáng tạo, công trình sáng tạo để TP phát triển”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Nguồn: SGGP