KHÔNG PHỦ NHẬN SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA CÁC TÔN GIÁO
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ sâu rộng trong toàn xã hội, là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ, sáng suốt lựa chọn và bầu ra những người đủ tâm, đủ tầm, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Từ nhiều tháng qua, Bộ Chính trị; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác bầu cử theo đúng pháp luật và tiến độ. Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong cả nước quán triệt sâu kỹ các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên và gắn vào thực tế tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện các khâu, các bước theo quy trình công tác bầu cử. Cho đến nay, việc triển khai các bước chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra theo đúng quy trình, tiến độ và đã cơ bản hoàn thành.
Kết quả chung ấy được tạo bởi sự nỗ lực, cố gắng chung tay của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó sự đóng góp của đồng bào các tôn giáo là rất quan trọng. Thực hiện phương châm gắn đạo với đời, các tổ chức, chức sắc tôn giáo trên địa bàn cả nước đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhắc nhở các tín đồ thực hiện nghiêm pháp luật và các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Lồng ghép trong các hoạt động tôn giáo, đồng bào có đạo được tuyên truyền về quyền bầu cử, ứng cử và ý nghĩa, trách nhiệm công dân với ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Trong công tác hiệp thương giới thiệu nhân sự ở nhiều nơi các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương để lựa chọn, giới thiệu những người có đạo, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ra ứng cử đảm bảo có tỷ lệ phù hợp với quy định. Tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đồng bào có đạo tham gia tích cực và bày tỏ sự tín nhiệm cao với các nhân sự được giới thiệu ứng cử. Hầu hết các ứng cử viên là chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo đều đạt tín nhiệm cao.
Cử tri cũng như đồng bào có đạo bày tỏ sự tin tưởng cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra thành công tốt đẹp. Các ứng cử viên là chức sắc, đồng bào có đạo nếu trúng cử vào đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ phát huy tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
LẠI GIỞ TRÒ LỢI DỤNG TÔN GIÁO
Nhưng thật đáng buồn, giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực, cố gắng để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân thì một số linh mục lại cố tình tìm cách tuyên truyền xuyên tạc, kích động giáo dân tẩy chay cuộc bầu cử với luận điệu “không biết, không bầu”; kêu gọi ủng hộ người ngoài Đảng ứng cử tự do, tẩy chay người do Đảng giới thiệu...
Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Cả hệ thống chính trị, ngành y tế, các lực lượng Quân đội, Công an và toàn thể nhân dân đã và đang vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ với phương châm “chống dịch như chống giặc” nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Nhưng đi ngược với tinh thần ấy, một số linh mục phớt lờ, bất chấp các chỉ thị, quy định của Thủ tướng Chính phủ, của chính quyền địa phương và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn vẫn tổ chức cầu nguyện đông người, không chấp hành nghiêm các quy trình về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và Chính phủ... Không chỉ cầu nguyện, giảng đạo, một số linh mục còn lồng ghép tuyên truyền xuyên tạc, kích động, kêu gọi giáo dân không tham gia bầu cử, nếu có đi bầu cử thì gạch tên các ứng cử viên là cán bộ, đảng viên do Đảng giới thiệu, ủng hộ người ngoài Đảng và những người tự ứng cử. Thậm chí có nơi linh mục quản xứ còn lợi dụng thời điểm cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để kích động giáo dân tụ tập khiếu kiện đông người đưa ra những đòi hỏi vô lý, không chính đáng, trái pháp luật hòng gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng và sự an toàn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
TRÁI PHÁP LÝ, NGƯỢC ĐẠO LÝ
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân. Điều 27 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". Điều 95, Chương X, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: "Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự". Việc xử lý các hành vi vi phạm nói trên, Điều 160, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định: “1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Tương tự hành vi phớt lờ các chỉ thị, quy định của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chấp hành không nghiêm quy trình về phòng, chống dịch Covid-19 cũng là vi phạm pháp luật. Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó nghiêm cấm các hành vi như sau: “Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.” Rõ ràng những hành vi như đã nêu của một số linh mục là vi phạm pháp luật.
Không chỉ trái pháp lý, hành vi của một số linh mục còn trái cả đạo lý. Đường hướng phát triển của Giáo hội là “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, theo tinh thần “Kính Chúa yêu nước”. Với tư cách là công dân và trọng trách quản xứ, đáng lẽ ra các linh mục phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình, thực sự là người gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động bà con giáo dân tuân thủ các quy định của pháp luật, tích cực tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đằng này họ lại cố tình đi ngược với đường hướng Giáo hội và lời răn của Chúa.
Giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới và trong nước, một số linh mục bất chấp các quy định vẫn tổ chức hành lễ, cầu nguyện... thì đó là hành vi coi thường tính mạng, sức khỏe của giáo dân. Điều này không chỉ gây nên những băn khoăn, lo lắng trong nhân dân ở các địa phương mà ngay chính bà con giáo dân cũng không yên tâm bởi trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì nguy cơ lây lan từ những buổi tập trung hành lễ, cầu nguyện là rất lớn. Rõ ràng hành vi thờ ơ, vô trách nhiệm với bà con giáo dân của một số linh mục là không thể chấp nhận. Đức ái là cốt lõi của lề luật và đời sống linh mục. Theo đường hướng của Giáo hội, lời răn của Chúa và Đức ái thì những hành vi của một số linh mục như đã nêu là không thể tồn tại.
GẮN VIỆC ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN VỚI XỬ LÝ NGHIÊM CÁC SAI PHẠM
Thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tập trung cao độ cho công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra chặt chẽ, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp. Song hành với đó toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện “mục tiêu kép”.
Trong bối cảnh ấy, một mặt chúng ta phải kiên quyết xử lý nghiêm minh những kẻ xấu, linh mục cố tình vi phạm pháp luật về bầu cử và về phòng, chống dịch bệnh hòng tiếp tay cho các thế lực thù địch. Mặt khác, chúng ta cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn dân nói chung, bà con giáo dân nói riêng nhất là các chức sắc có tiếng nói trong cộng đồng được hiểu rõ Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng tiếng nói của đồng bào có đạo trên khắp mọi miền Tổ quốc, và là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tham gia bầu cử là thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp lựa chọn bỏ phiếu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình để thay mặt mình tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước để tổ chức, quản lý và điều hành mọi hoạt động xã hội.
Đồng thời thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin về tính chất phức tạp, nguy hiểm và yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ đó nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch cho nhân dân nói chung và bà con giáo dân nói riêng. Mặt khác cần giúp cho bà con nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng cuộc bầu cử và công tác phòng, chống dịch để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chỉ có nhận thức rõ những điều ấy nhân dân nói chung, bà con giáo dân nói riêng mới nâng cao “sức đề kháng” không hùa theo và chủ động đấu tranh với những luận điệu sai trái, những hành vi kích động, gây rối rắp tâm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.
Phùng Kim Lân