Nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Kim Vân là một “lòng chảo” lớn, chung quanh là núi rừng nguyên sinh bao bọc, ruộng vườn, nhà cửa, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ổn định trên các sườn đồi. Cuộc sống của người dân đang bình yên thì đầu tháng tám vừa qua, mưa lớn tại chỗ và nước mưa từ các nơi đổ về gây lũ lụt chưa từng thấy tại Kim Vân, nước lũ nhấn chìm nhà cửa, ruộng vườn của 15 gia đình hơn 20 ngày, làm cho tài sản tích cóp được bị hư hỏng, mùa màng mất trắng, đi lại khó khăn, cuộc sống của cả thôn bị xáo trộn.
Bà Đinh Thị Bạy than phiền: “Nay tôi đã gần 80 tuổi rồi, từ nhỏ đến giờ chưa từng xuất hiện trận lũ nào lớn như trận lũ lần này. Nước lên nhanh mà rút rất chậm. Lũ lên đỉnh từ khoảng ngày 12-8 mà đến đầu tháng chín vừa qua mới rút hết, toàn bộ mùa màng của con cháu đều hỏng hết”.
Kim Vân là thôn đồng bào dân tộc thiểu số, từ trước đến nay hầu như không bị lũ lụt nên cả thôn đều rất ngỡ ngàng trước tình trạng nước lũ đột ngột dâng nhanh, lên cao, nhiều gia đình bị nước ngập đến nóc nhà và cũng có nhiều gia đình không kịp di chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn.
Nước rút, 15 hộ sống nhờ nhà hàng xóm, dựng lều từ trên các sườn núi trở về thu dọn nhà cửa mà ngao ngán, nền nhà bị phù sa vùi dày đến hai, ba gang tay, đồ dùng gia đình hư hỏng, trôi mất, đồ gỗ bị mục nát, chuồng trại hư hỏng, giếng nước ô nhiễm...
Trưởng thôn Kim Vân Đinh Duy Khôi cho biết: “Tài sản, đồ dùng của hầu hết các gia đình bị ngập nước đều hư hỏng, hoặc lũ cuốn trôi. Hơn 10 ha lúa mùa của 27 gia đình đang “thì con gái”, xanh mướt bị lũ nhấn chìm, mất trắng. Đáng ngại là trong đó có toàn bộ diện tích lúa của hơn mười hộ bị “xóa sổ” hoàn toàn nên đang đối mặt với cái đói”.
Hơn 10 ha lúa của nhân dân trong thôn bị “xoá sổ”.
Là một trong số các gia đình mà diện tích lúa bị thối hết, ông Đinh Văn Chăm chia sẻ: “Gia đình tôi có ba “bung”( 3.000 m2) lúa mùa bị mất hoàn toàn. Lũ rút, ra đồng thấy lúa thối hết, nằm rạp trên mặt ruộng mà xót xa. Bây giờ không biết trồng cây gì để có cái ăn trong khi nhà chỉ còn hai bao thóc. Vừa qua cán bộ xã xuống thống kê thiệt hại, không biết có được hỗ trợ gì không. Tới đây, gia đình tôi chưa biết làm gì để có tiền mua gạo”.
Chưa có giải pháp lâu dài
Những năm trước, vùng Kim Vân và Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cũng có mưa lớn, nhưng nhân dân địa phương cho biết, nước lũ dâng cao, nhiều ngày mới rút hết như vừa qua là lần đầu xuất hiện.
Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, Trưởng thôn Đinh Duy Khôi khẳng định: Từ năm 2011 đến năm 2013, Công ty cổ phần Tấn Thành đưa máy xúc, máy ủi, sàn tuyển đến đào, đãi vàng bung bét ở khu vực Tốc Lù, cách Kim Vân không xa đã lấp hang Tốc Lù xuyên qua núi đá, nên mưa to nước không có đường thoát gây ngập lụt cho cả khu vực”.
Ông Đinh Văn Chăm cũng cho biết: Trong thời gian còn đãi vàng ở Tốc Lù, đại diện của Công ty cổ phần Tấn Thành đã nhiều lần khẳng định với dân là sẽ thông cửa hang Tốc Lù. Nhưng hết thời hạn khai thác, doanh nghiệp rút đi, cửa hang Tốc Lù không được thông nên đã gây hậu họa cho thôn Kim Vân chúng tôi”.
Công ty cổ phần Tân Thành khai thác vàng trên diện tích gần 10 ha ở khu vực Tốc Lù, khai thác xong, công ty này không chịu hoàn thổ, phục hồi môi trường khu vực khai thác. Thời gian qua, tỉnh Bắc Cạn chưa có biện pháp nào buộc công ty phải thực hiện nghĩa vụ hoàn thổ diện tích đã được cấp phép khai thác.
Đến nay, tỉnh Bắc Cạn chưa có giải pháp nào thông cửa hang Tốc Lù để nước có đường thoát mỗi khi mưa lớn. Đây chính là điều mà người dân thôn Kim Vân lo ngại nhất, từ nay trở đi cứ mưa là thôn sẽ lại ngập lụt và không biết cuộc sống của người dân rồi sẽ ra sao.