Thứ Sáu, 1/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 2/3/2021 14:7'(GMT+7)

Sẽ áp dụng triệt để công nghệ trong thống kê điều tra kinh tế 2021

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần đầu tư gỗ VINA, khu Công nghiệp Thanh Bình, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần đầu tư gỗ VINA, khu Công nghiệp Thanh Bình, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là cuộc tổng điều tra quan trọng nhằm thu thập số liệu về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh…

Tuy nhiên, việc điều tra doanh nghiệp năm 2021 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, một số địa phương áp dụng giãn cách xã hội và cách ly ở các vùng trung tâm dịch.

Để phát huy hiệu quả, ngành thống kê sẽ áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong thống kê, do đó cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2021 sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

- Thưa bà, cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, liệu điều này có ảnh hưởng gì tới việc tổ chức thực hiện điều tra hay không?


Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Hoạt động thu thập thông tin đầu vào của doanh nghiệp đã được triển khai hàng năm với quy mô và mức độ khác nhau. Trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021, điều tra doanh nghiệp tiến hành thu thập thông tin của toàn bộ các doanh nghiệp trong tất cả các ngành, loại hình kinh tế trên phạm vi cả nước.

Điều tra doanh nghiệp trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có những thuận lợi như chủ động kết nối để tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện của các kỳ Tổng điều tra kinh tế trước đây, điều tra doanh nghiệp năm 2021 đã huy động được sự tham gia của tất cả cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương vào tổ chức thực hiện thu thập thông tin trên phạm vi cả nước.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền được thực hiện sâu, rộng trên toàn quốc và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả đã tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân và doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa và nội dung của Tổng điều tra. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin với Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp.

Điều tra doanh nghiệp năm 2021 được triển khai đến doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến nên mặc dù tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng cuộc điều tra vẫn bảo đảm diễn ra đúng theo yêu cầu về nội dung, cách thức và tiến độ thực hiện Tổng điều tra. Đây năm thứ hai ngành thống kê tiến hành điều tra doanh nghiệp trực tuyến nên đã có kinh nghiệm trong việc thiết kế, xử lý và thu thập bằng hình thức này.

- Thưa bà, bên cạnh những thuận lợi nói trên, cuộc điều tra có những khó khăn, thách thức gì?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương:
Để tiến hành thu thập thông tin theo hình thức trực tuyến, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, trước hết phải đáp ứng yêu cầu cao hơn nhiều so với hình thức thu thập truyền thống bằng phiếu giấy; đồng thời yêu cầu về tính bảo mật, an toàn của hệ thống đòi hỏi ở mức độ cao với dung lượng trong chuyển tải và lưu giữ; số lượng lớn các tài khoản truy cập đồng thời trên phạm vi rộng.

Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin của ngành thống kê còn nhiều hạn chế nên trong quá trình triển khai không tránh khỏi có những thời điểm hệ thống bị quá tải hoặc gián đoạn. Ngành thống kê đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan để khắc phục và hạn chế tối đa khó khăn, bất cập này.

Mặt khác, nhiều các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên sẽ tồn tại các doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện để tham gia cung cấp thông tin trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của điều tra doanh nghiệp.

- Bà có thể cho biết, trong thu thập thông tin của cuộc điều tra lần này có những điểm khác biệt nào so với lần trước?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Thông tin thu thập trong phiếu điện tử năm nay có thay đổi lớn so với điều tra doanh nghiệp năm trước; đặc biệt trong việc xác định rõ cơ sở sản xuất với tên, số lượng sản phẩm chính và địa điểm để phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh đến ngành cấp 3 trên địa bàn cấp xã. Tức là, điều tra doanh nghiệp năm 2021 sẽ tiếp cận để cập nhật, khai thác thông tin của các đơn vị điều tra theo định nghĩa chuẩn của quốc tế, doanh nghiệp cung cấp thông tin chi tiết của các chi nhánh, cơ sở sản xuất cùng với địa chỉ, doanh thu hoặc số lượng các sản phẩm chính, chi phí sản xuất và số lượng lao động.

Với hình thức thu thập thông tin bằng phiếu điện tử trên Webform các doanh nghiệp sẽ tự kê khai thông tin trên bảng hỏi trực tuyến. Để thu thập đầy đủ về số lượng và chất lượng thông tin từ doanh nghiệp là thách thức không nhỏ đối với các điều tra viên của ngành thống kê. Vì vậy, đòi hỏi điều tra viên cần nắm rất rõ quy trình thu thập thông tin, luồng thông tin và các chỉ tiêu cần thu thập để hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo cho doanh nghiệp cung cấp thông tin tính đầy đủ, chính xác.

Trong quá trình triển khai thu thập thông tin, có nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng hợp tác để cung cấp thông tin, điều tra viên phải mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục doanh nghiệp tự điền thông tin vào phiếu điều tra cũng như kiểm tra, xác minh và hỗ trợ hoàn thiện phiếu điều tra.

Thời gian triển khai thu thập thông tin doanh nghiệp năm 2021 trùng vào thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, gây khó khăn cho việc tập huấn cho điều tra viên và tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai thu thập thông tin.

Ngoài ra, phiếu điều tra doanh nghiệp năm 2021 bao gồm nhiều nội dung chuyên ngành, chuyên sâu, yêu cầu điều tra viên phải có kiến thức am hiểu về kinh tế, thống kê, kế toán và sử dụng thành thạo máy tính. Vì vậy, để tuyển chọn được các điều tra viên đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng là một khó khăn lớn trong việc chuẩn bị triển khai điều tra doanh nghiệp năm 2021.

- Xin bà cho biết những giải pháp mà Tổng cục Thống đưa ra để thực hiện điều tra doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất?


Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Theo tôi, trước hết, cần tăng cường mạnh mẽ việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về Tổng điều tra kinh tế năm 2021 để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện tự cung cấp thông tin.

Cùng với đó, việc tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên các cấp được chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung tập huấn cần có trọng tâm, trọng điểm để giúp điều tra viên nắm bắt tốt nhất các nội dung của phiếu hỏi và quy trình thực hiện trên phần mềm thu thập thông tin. Việc tập huấn triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt như tập huấn trực tiếp, tập huấn trực tuyến, tập huấn thông qua các video clip hướng dẫn nghiệp vụ.

Tổng cục Thống kê cũng yêu cầu điều tra viên thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình điền thông tin phiếu điều tra trực tuyến để tránh việc bỏ sót thông tin và nâng cao chất lượng số liệu. Trong trường hợp doanh nghiệp không có đủ điều kiện để điền thông tin trực tuyến, điều tra viên sẽ áp dụng biện pháp điều tra trực tiếp để thu thập thông tin đảm bảo nội dung, chất lượng và tiến độ của cuộc điều tra.

Đối với những doanh nghiệp không hợp tác để cung cấp thông tin, điều tra viên cần báo cáo ngay với tổ thường trực, Ban Chỉ đạo để có các phương án xử lý phù hợp. Cụ thể, phối hợp với Chi Cục Thuế hoặc Cục Thuế nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin; đề nghị ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh gửi công văn đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp…

Để việc thu thập thông tin được bảo đảm hoạt động an toàn, bảo mật, ổn định và thông suốt trong thời gian điều tra, Tổng cục Thống kê tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin như hệ thống đường truyền mạng, máy chủ, dung lượng lưu trữ, thiết bị bảo mật… Tiến hành thử tải cho hệ thống để có đánh giá về mức độ đáp ứng của hệ thống trong thực tế triển khai thu thập thông tin.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nói chung và Điều tra doanh nghiệp năm 2021 nói riêng là cuộc Tổng điều tra khó nhất của ngành thống kê. Đây là cuộc Tổng điều tra khó trong cả lý luận và thực tiễn triển khai, với nội dung, đơn vị, đối tượng điều tra phức tạp, phạm vi rộng. Song với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và chính quyền các cấp, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ được thực hiện thành công, cung cấp thông tin, dữ liệu tốt nhất phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách và chỉ đạo điều hành kinh tế-xã hội của đất nước theo đúng mục tiêu, định hướng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

- Xin trân trọng cám ơn bà!./.


Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất