Thứ Bảy, 23/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 16/4/2015 14:30'(GMT+7)

Sẽ phát hành bộ tem “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”

Ngày 16/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi – 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Lễ phát hành sẽ diễn ra ngày 23/4 tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Phú Thọ gắn với sự kiện khai mạc Ngày sách đất Tổ 2015

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân - con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy nàng Âu Cơ - con gái Vua Đế Lai rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm (khu di tích lịch sử đền Hùng) mà trung tâm là núi Nghĩa Lĩnh và lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ. Từ trung tâm thờ tự đầu tiên này, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa, có sức sống lâu bền từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra nước ngoài. Đất nước có lúc thịnh lúc suy, có lúc bị giặc ngoại xâm thống trị nhưng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được các thế hệ duy trì đến tận ngày nay và còn mãi đến muôn đời sau.

Các sử liệu cho thấy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã phát triển mạnh từ rất lâu trước khi chính thức được vinh danh vào thời Hậu Lê (1428 - 1788). Những triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân duy trì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nhà Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn liên tục sắc phong cho các đền thờ Vua Hùng tại Phú Thọ, pháp điển hóa nghi thức thờ cúng, miễn thuế và cấp ruộng đất tại khu vực xung quanh đền để người dân canh tác, thu hoa lợi và coi sóc đền thờ. Cho đến nay, Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm tới việc thờ cúng các Vua Hùng, cấp kinh phí để tôn tạo không gian thờ cúng, đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy để giáo dục thế hệ trẻ, cho phép nhân dân cả nước nghỉ lễ ngày giỗ Tổ (mùng 10 tháng 3 âm lịch) để tham gia, tổ chức các hoạt động tế lễ hướng về cội nguồn dân tộc. Tổng số trên cả nước có 1.417 đền thờ Vua Hùng.

Tối ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tính đến thời điểm này, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản duy nhất ở loại hình tín ngưỡng của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo mà chính là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn- tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công dựng nước Văn Lang. Hiện tại theo kiểm kê của Sở VH,TT&DL Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trải rộng khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các làng xã, song Đền Hùng là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, cũng như tiếp nối đề tài về di sản văn hóa Việt Nam, bộ tem về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” gồm 3 mẫu tem và 1 blốc, do họa sỹ Võ Lương Nhi và Vũ Kim Liên thiết kế sẽ được phát hành trong những ngày tới. Các mẫu tem thể hiện hình ảnh cổng vào Đền Hùng cùng đàn con Lạc cháu Hồng về dâng Lễ; hình ảnh các trưởng lão thực hiện nghi lễ tế Vua Hùng; hình ảnh bánh chưng, bánh dày và cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị lễ vật dâng lên Vua Hùng. Blốc tem thể hiện hình ảnh đền Thượng và cổng đền Hùng tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng đoàn người đại diện cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hướng về ngày giỗ Tổ./. 


Hòa Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất