Thứ Sáu, 27/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 18/7/2016 17:58'(GMT+7)

Sẽ tổ chức hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc tại Cần Thơ

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức “Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016”. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, thành phố Cần Thơ, cùng 299 đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công cả nước. Hội nghị sẽ được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ ngày 23/7/2016.

Bà Hà cho biết: Tại hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có bài phát biểu chào mừng và định hướng về công tác chăm sóc gia đình thương binh - liệt sỹ, người có công với cách mạng trong giai đoạn tới; hội nghị sẽ được nghe những câu chuyện chân thật xúc động về những gương thương bệnh binh, con em gia đình liệt sỹ tiêu biểu, nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên thành công trong cuộc sống.

Đó là Nguyễn Anh Tuấn, con trai duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Văn Hướng, nguyên là chiến sỹ của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Sinh ra chưa biết mặt cha, mẹ lại bị tai nạn mất sớm, anh Hướng lớn lên trong sự dạy dỗ, đùm bọc của các thầy cô của Trường Nguyễn Viết Xuân (Trường nuôi dạy con em các liệt sỹ của TP Hà Nội). Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, anh Hướng đã nỗ lực học tập và tốt nghiệp Đại học Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ, sau đó hoàn thành tiếp chương trình  thạc sỹ về công nghệ thông tin và kinh tế. Tốt nghiệp, anh Tuấn xin về Trường Nguyễn Viết Xuân với nguyện vọng  được tiếp tục cống hiến, nuôi dạy các con em của các gia đình liệt sỹ tại chính ngôi trường đã cưu mang và đùm bọc nuôi nấng anh. Với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, anh được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm các chức vụ: Hiệu trưởng Trường Nguyễn Viết Xuân và nay là Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).

Đó là thương binh 4/4 Đỗ Thám, hiện trú tại xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1972 anh Thám chiến đấu và bị thương tại căn cứ Rừng Le, tỉnh Bình Long. Sau khi điều trị vết thương, anh về công tác tại huyện đội Bù Đốp, rồi là Phó Chánh Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé (nay là hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước), năm 1976, anh chuyển ngành về công tác Trung tâm Y tế Công ty Cao su Bình Long, đến năm 2002 thì nghỉ hưu. Năm 2003, anh Thám mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trồng hàng chục hec ta cao su. Hiện nay, từ diện tích 50 ha cao su, gia đình anh có thu nhập 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 21 lao động, trong đó có 13 người là dân tộc thiểu số với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng.

Đó là anh Đào Viết Thoàn, thương binh 1/4 quê ở xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tự học hỏi cách chữa trị bệnh của các thầy thuốc, tìm đọc và tham khảo các tài liệu y học với mục đích chữa bệnh cho mình và chữa bệnh cho nhiều người khác. Hơn 10 năm qua, phòng khám của gia đình  anh đã khám, chữa bệnh cho hơn 11.000 người đến từ mọi miền của Tổ quốc.Trong số những người được anh chữa trị, có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, thương bệnh binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tất cả bệnh nhân đến điều trị tại gia đình anh, đều được miễn phí tiền giường nằm, điện, nước, anh không thu tiền điều trị chữa của 3.824 người có hoàn cảnh khó khăn....

Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công (chiếm gần 10% dân số), hơn 1 triệu 470  nghìn người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ, trên 117 nghìn mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam anh hùng, gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 185.602 bệnh binh; hơn 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày, 9.077 người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; trên 16 nghìn người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước ngày khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945; trên 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến. Trên 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng và hơn 4 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng huân, huy chương kháng chiến. 

Ngoài ra, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội còn thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi với hàng vạn thanh niên xung phong. Mới đây, ngày 14/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg về  “Trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Theo đó, có khoảng hơn 1,4 triệu người được hưởng chế độ này./.  

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất