Bộ GTVT ủng hộ tổ chức giao thông hợp lý
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1-3, trả lời PV về đề xuất cấm trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc tổ chức giao thông trên hệ thống đường, hạ tầng đô thị là thẩm quyền, chức năng của UBND TP Hà Nội. Grab, uber là loại hình vận tải ô tô chạy trên đường, có những tuyến phố cấm. Chúng ta đặt vấn đề là phải công bằng giữa các loại phương tiện. Cấm taxi có thể cấm theo giờ. Grab, uber cũng là vận tải hành khách, chỉ khác là kết nối bằng công nghệ thôi. Cấm là cấm đơn vị vận tải chứ không cấm người cung cấp công nghệ kết nối vận tải.
Theo ông Đông, chúng ta không phân biệt đối xử xe này với xe kia, TP thấy cần cấm giờ này hay giờ kia là việc của TP và phù hợp với việc tổ chức giao thông của TP. Quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ tổ chức giao thông hợp lý, có thể giờ này, mùa này cấm, giờ kia mở là chuyện rất bình thường.
Tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, TP (có hoạt động thí điểm uber, grab) trong tổ chức giao thông đô thị cần ưu tiên cho các loại hình vận tải hành khách: Xe buýt, xe du lịch, xe taxi. Đồng thời, tiếp tục rà soát tuyến đường, phố có biển báo cấm xe taxi thì đồng thời bổ sung biển báo phụ cấm cả xe hợp đồng nhằm đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh.
|
Với giá cước linh hoạt grab, uber được nhiều người lựa chọn. |
Người dân có nhiều dịch vụ để lựa chọn
Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và đơn vị vận tải (DN, HTX vận tải) đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động cho đến khi Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP có hiệu lực và giao các tỉnh, TP quyết định số lượng phương tiện tham gia thí điểm.
Bộ GTVT cũng đánh giá, việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại như: Lựa chọn phương tiện, biết được thông tin của lái xe (tên, số điện thoại), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện, giám sát đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của đơn vị với lái xe, chia sẻ giám sát chuyến đi khi khách hàng muốn sử dụng, nhằm nâng cao an toàn cho hành khách.
Bên cạnh đó, từ khi có ứng dụng này đã thu hút được nguồn đầu tư từ các DN, HTX vận tải, từ đó tăng số lượng phương tiện, tăng nguồn cung cấp dịch vụ. Điều này giúp người dân có nhiều dịch vụ để lựa chọn, được sử dụng dịch vụ tốt hơn và giá dịch vụ hợp lý hơn.
Tuy nhiên, sự hoạt động thí điểm của uber, grab đã khiến taxi truyền thống phải nhiều lần “kêu cứu”. Không ít ý kiến cho rằng việc quản lý hoạt động của uber, grab hiện nay đang tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh với taxi truyền thống và taxi truyền thống đang “chịu thiệt”.
Tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô – Vấn đề và kiến nghị”, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội – ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, Bộ GTVT đang coi uber, grab là các Cty cung vấp dịch vụ phần mền. Vì vậy, thời gian qua, grab kê khai doanh thu là “phí sử dụng phần mềm kết nối”, không phải chịu thuế VAT, gây thất thoát cho ngân sách. Ông Hùng đề nghị Bộ GTVT sửa đổi quy định về niêm yết và quản lý chất lượng với các loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ kinh doanh thí điểm, theo hướng phương tiện phải dán biểu trưng của đơn vị vận tải trên hai cánh cửa xe và trên nóc xe phải gắn hộp đèn có tên của đơn vị vận tải.
Còn theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi TP HCM khẳng định, xét về bản chất và điều kiện vận tải thì xe đang chạy grab và uber cơ bản là taxi, còn việc kết nối qua phần mềm hay tổng đài, thanh toán bằng tiền mặt, thẻ hay tài khoản… chỉ là phương tiện, không thể làm thay đổi chất kinh doanh taxi.
Cùng quan điểm với ông Hùng, ông Hỷ cũng đề nghị Bộ GTVT ban hành quy định về nhận diện thương hiệu với các phương tiện đã tham gia thí điểm như phải dán biểu trưng trên hai cánh cửa xe, gắn hộp đèn có tên đơn vị vận tải.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể!
Liên quan đến hoạt động của uber, grab, Bộ Công an vừa có Văn bản số 244/BCA-C67 gửi Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo Bộ Công an, do các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng nói chung, cũng như các DN kinh doanh vận tải thực hiện hợp đồng điện tử nói riêng còn đơn giản và chưa đầy đủ, đã dẫn đến tình trạng khó kiểm soát được số lượng, chất lượng xe và lái xe tham gia thí điểm. Do đó, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT cần bổ sung quy định về kiểm soát số lượng, chất lượng xe và lái xe tham gia thí điểm.
Bộ Công an cũng cho rằng, các phương tiện tham gia thí điểm tuy đã được lắp thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định, nhưng dữ liệu thu được mới chỉ được sử dụng trong quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải. Việc cung cấp dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan chức năng phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm còn hạn chế. Vì vậy, lực lượng CA khó khăn nhận biết, xử phạt các xe tham gia thí điểm vi phạm trên đường, nhất là các vi phạm về vận tải đường bộ…
Còn trong văn bản đóng góp ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 86, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, phân định rõ ràng giữa xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng vận tải điện tử thông qua các phần mềm phải được quản lý hoạt động như xe taxi (quản lý về số lượng, chất lượng của xe và lái xe, quản lý về điều kiện khi tham gia giao thông, công khai giá cước dịch vụ...).
Đồng thời, UBND TP Hà Nội cho rằng cần sửa đổi quy định để xác định DN cung cấp các ứng dụng phần mềm như uber, grab chính là các DN vận tải. Trường hợp là DN kinh doanh vận tải hành khách, sẽ phải đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành như: Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; quy mô phương tiện; quản lý lái xe, người điều hành vận tải; thực hiện các quy định về kê khai giá cước...
Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng thực hiện nghĩa vụ đăng ký Sàn giao dịch thương mại điện tử và có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu về ID gắn với biển kiểm soát xe và lái xe, minh bạch hóa số lượng xe, tần suất, quãng đường và vùng hoạt động của xe thí điểm để cơ quan quản lý kiểm soát và phục vụ công tác tổ chức giao thông.
Đề xuất cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên một số tuyến phố Ngày 26-2, Sở GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên một số tuyến phố trong khung giờ cao điểm 6-9g và 16g30-19g, gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh (đoạn từ Vương Thừa Vũ đến Tôn Thất Tùng) - hạn chế hoạt động theo cả hai chiều. Phố Khâm Thiên - hạn chế hoạt động taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi theo chiều từ Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa (trừ ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật được hoạt động 24/24g). Các đường phố cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ 24/24g (kể cả ngày đêm), gồm: Phố Phủ Doãn cấm taxi theo chiều từ Tràng Thi đến Hàng Bông; Cầu Giấy - Xuân Thủy cấm taxi theo cả hai chiều; Cầu Chương Dương cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo chiều từ Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật, thời gian 6-9g, trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật; Phố Hàng Bài (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt) cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo chiều Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt, thời gian cấm 19-24g các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Hiện Hà Nội có trên 15.000 taxi công nghệ được cấp phép thí điểm, trong đó có 11.400 xe grab và 2.400 xe uber. |
Theo phapluatxahoi.vn