Ngày 22/10, Bộ Y tế đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo tăng cường triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em và miếng dán “Tôi đang mang thai”. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết , Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch triển khai phiên bản điện tử sổ theo dõi bà mẹ trẻ em (Sổ Mẹ và Bé) vào hồ sơ theo dõi sức khoẻ cá nhân, tiến hành số hoá quá trình chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em.
Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6, khóa XII và các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) đã xác định các chỉ tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em Việt Nam cần thực hiện vào năm 2030. Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp, can thiệp trong đó có những can thiệp, mô hình đã được chứng minh có hiệu quả Việt Nam cũng như trên thế giới. Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em có xuất xứ từ Nhật Bản là một sáng kiến hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ MDGs về sức khỏe bà mẹ, trẻ em như: Tử vong mẹ đã giảm ba lần; tử vong trẻ em dưới một tuổi đã giảm gần 3 lần; tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn 50%...
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khó khăn như: Còn có sự khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền (vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3-4 lần vùng đồng bằng); tử vong sơ sinh còn cao và giảm chậm.
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là cuốn sổ theo dõi, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho bà mẹ và trẻ em từ khi mang thai đến khi trẻ 6 tuổi. Sổ giúp theo dõi việc chăm sóc liên tục và có hệ thống tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của địa phương cho cả mẹ và con từ khi sinh ra; theo dõi quá trình phát triển của trẻ nhỏ, can thiệp dự phòng khi cần cần thiết; đưa ra các con số thống kê báo cáo chính xác. Đặc biệt, Sổ giúp giảm bớt gánh nặng cho cán bộ y tế cơ sở khi giảm bớt các giấy tờ trùng lặp như phiếu khám thai, phiếu tiêm chủng.
Từ năm 2011-2014, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở 4 tỉnh gồm Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang. Kết quả cho thấy: kiến thức, thái độ và hành vi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của cả cán bộ y tế cũng như bà mẹ nuôi con nhỏ đã được cải thiện rõ rệt.
Trên cơ sở kết quả thí điểm, Bộ Y tế đã chỉ đạo từng bước nhân rộng việc áp dụng Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em trong toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả các bệnh viện ngoài công lập. Bộ Y tế đã nhân rộng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên nhiều tỉnh thành; đồng thời, ban hành quy định về sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên phạm vi toàn quốc.
Bà Iwama Nozomi, Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam cho hay: Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, đến nay đã có hơn 30 nước trên thế giới triển khai sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.
Để Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai đồng bộ, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 140/QĐ-BYT ngày 20/01/2020 sử dụng Sổ thay thế các loại sổ khám bệnh, sổ y bạ, sổ khám thai và phiếu tiêm chủng trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Song song với việc duy trì Sổ giấy, Bộ Y tế cũng sẽ triển khai mạnh mẽ số hóa Sổ thông qua phiên bản điện tử, trở thành một phần không thể tách rời của hồ sơ quản lý sức khỏe Nhân dân.
Lan Anh