Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Tập trung 3 nhiệm vụ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Muốn có hạnh phúc thì nhìn ở tầm quốc gia, đất nước phải được độc lập, phát triển, người dân được sống trong hòa bình, tự do. Việc phát triển đất nước phải thực sự bền vững, phát triển ở ngày hôm nay không được gây ảnh hưởng tới tương lai, không hủy hoại môi trường, cao hơn nữa là phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau, tất cả mọi người đều là trung tâm của sự phát triển, tham gia vào các hoạt động phát triển...
Phó thủ tướng nêu rõ: Ở tầm nhỏ hơn, trong cộng đồng, cơ quan, gia đình cần chung tay chia sẻ nhiều thông điệp yêu thương, làm nhiều việc tốt. Việt Nam đã có nhiều chương trình hành động, chiến lược, đề án, dự án liên quan đến phát triển bao trùm, bền vững, trong đó đặc biệt lưu ý chương trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo... Dù đã có khá đầy đủ chính sách nhưng thực tế vẫn có nơi, có lúc chưa thực hiện tốt như mong muốn, bởi các địa phương đang chịu sức ép phát triển kinh tế, tập trung nguồn lực vào các mục tiêu kinh tế trước mắt. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện các chương trình này...
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Để có cuộc sống hạnh phúc cần tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ. Trước hết mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cần có hiểu biết về luật pháp để không vi phạm pháp luật. Các đơn vị chức năng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người dân trong cộng đồng. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật đến người dân, cũng cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mặt khác, con người muốn có hạnh phúc lâu dài cần phải có niềm tin vào tương lai, vào những điều tốt đẹp.
Phó thủ tướng nêu rõ: Tương lai sẽ có rất nhiều điều cần phải làm, trong đó có việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, cháu, thế hệ trẻ ở cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Việc giáo dục phải chú trọng hơn nữa việc dạy làm người cho thế hệ con cháu, từ những việc nhỏ, đơn giản nhất, để trở thành những con người nhân văn, có trí tuệ được khai mở, sáng tạo, có lòng yêu nước thương nòi, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Qua 5 năm triển khai Đề án (2013-2018), đông đảo nhân dân đã biết tới Ngày Quốc tế Hạnh phúc, ý nghĩa của ngày này và tiếp nhận được nhiều thông tin về các chính sách an sinh xã hội. Thông điệp “Yêu thương và chia sẻ” của Ngày Quốc tế Hạnh phúc đã lan tỏa trong cộng đồng, người dân đã sáng tạo, thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, mang lại cảm xúc ấm áp, khơi gợi lòng yêu thương, nhắc nhở nhau về giá trị sống tốt đẹp.
Ý thức và hành động thiết thực trong xây dựng hạnh phúc gia đình, cộng đồng được nâng cao và cụ thể hóa. Các cấp, ngành, tổ chức tích cực và chủ động hơn trong công tác phối hợp, tham mưu, lồng ghép thực hiện đề án hướng tới mục tiêu vì xã hội hạnh phúc, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực công sở, bạo lực giới và góp phần giảm tệ nạn xã hội. Các địa phương đã huy động được nguồn lực xã hội trong các hoạt động, chương trình từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ, miễn phí, giảm phí, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng...
Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình
Bên cạnh Đề án về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 11 nhằm tăng cường các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với tình hình hiện nay, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; các mục tiêu cần đạt đến năm 2020 của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực gia đình. Sau một năm thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều bộ, ban, ngành thực hiện nhiều chương trình thiết thực.
Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, thông qua triển khai đề án lồng ghép nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục, phát huy hiệu quả giáo dục trẻ em ở 3 môi trường gia đình, nhà trường, xã hội…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch tổ chức thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giai đoạn 2019-2020; hướng dẫn các địa phương củng cố, phát triển mô hình “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”, mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng”. Hiện có 75% số xã, phường, trị trấn trên toàn quốc đã triển khai các mô hình này.
Tuy còn khó khăn nhưng hầu hết các địa phương đã bố trí kinh phí, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng, nhân bản các ấn phẩm truyền thông phù hợp với đặc thù văn hóa địa phương, đặc trưng vùng miền, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng, dân tộc…/.
Nguồn: TTX