Mục đích của việc thành lập Nhóm Đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển là
quản lý tốt rừng ngập mặn, khai thác bền vững tài nguyên dưới tán rừng,
cung cấp lợi ích cho cộng đồng địa phương thông qua việc tiếp cận hợp lý
và được đảm bảo tài nguyên thiên nhiên trong rừng phòng hộ.
Ngày 22/9, Dự án hợp tác kỹ thuật Việt-Đức “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng” (GIZ) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ ký chứng thực và ra mặt Nhóm Đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển ấp Võ Thành Văn (thuộc xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Đây là Nhóm Đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển có số lượng thành viên tham gia đông nhất (với trên 750 thành viên) và quản lý diện tích rừng ngập mặn ven biển lớn nhất tại tỉnh Sóc Trăng với hơn 3.000 ha rừng.
Mục đích của việc thành lập Nhóm Đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển là quản lý tốt rừng ngập mặn, khai thác bền vững tài nguyên dưới tán rừng, cung cấp lợi ích cho cộng đồng địa phương thông qua việc tiếp cận hợp lý và được đảm bảo tài nguyên thiên nhiên trong rừng phòng hộ; đồng thời đảm bảo việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ hiệu quả các khu rừng ngập mặn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thay mặt Nhóm Đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển Võ Thành Văn, ông Thạch Sơn-Trưởng nhóm cam kết sẽ chung tay cùng chính quyền địa phương bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện đời sống của các thành viên tham gia nhóm; hướng đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên rừng một cách bền vững. Được biết, Nhóm Đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển Võ Thành Văn là Nhóm đồng quản lý rừng thứ 3 được thành lập tại Sóc Trăng, sau Nhóm Đồng quản lý rừng ngập mặn ấp Mỏ Ó (thuộc xã Trung Bình, huyện Trần Đề) và Nhóm Đồng quản lý rừng ngập mặn ấp Âu Thọ B (thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu).
Theo bà Bianca Schlegel-Cố vấn Kỹ thuật của dự án Quản lý nguồn Tài nguyên Thiên nhiên vùng ven biển tổ chức GIZ cho biết, việc ký kết và ra mắt Nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn có ý nghĩa rất lớn cho tương lai trong việc bảo vệ diện tích rừng ngập mặn ven biển. Nhờ việc hạn chế tiếp cận vào khu rừng ngập mặn và sử dụng bền vững nguồn lợi từ rừng, từ khi thực hiện mô hình từ năm 2009, những khu rừng ngập mặn ven biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được bảo vệ tốt hơn, nguồn lợi tự nhiên từ rừng tăng lên nhiều hơn, góp phần cải thiện cho đời sống của người dân./.
Chanh Đa (TTXVN)