Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 8/11/2019 8:24'(GMT+7)

Sớm có định hướng xử lý phù hợp nhóm dự án thua lỗ ngành công thương

Sản xuất tại nhà máy thép Việt - Trung. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Sản xuất tại nhà máy thép Việt - Trung. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Theo báo cáo số 489/BC-CP của Chính phủ gửi các Đại biểu quốc hội khóa XIV về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, hiện các dự án trong nhóm dự án yếu kém, thua lỗ của ngành vẫn còn khó khăn trong việc xử lý. Do đó, Chính phủ kiến nghị thời gian tới các cơ quan chức năng xem xét, có sự điều chỉnh định hướng xử lý để phù hợp với tình hình thực tiễn và khả thi hơn.

NHIỀU DỰ ÁN TIẾP TỤC LỖ

Theo báo cáo này, sau gần 3 năm thực hiện nhiệm vụ xử lý cá dự án, doanh nghiệp trên và 2 năm triển khai Đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp theo Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 và 8 tháng năm 2019 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1- Hải Phòng lợi nhuận sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận sau thuế đạt 270,730 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn của thị trường, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Một số dự án khác năm 2018 đã giảm được lỗ so với năm 2017 như Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, giảm lỗ hơn 208 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình giảm lỗ hơn 417 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, trong 8 tháng năm 2019, Nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ trên 284 tỷ đồng. Tuy nhiên cùng thời gian này có dự án tăng lỗ như Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ gần 139 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai tăng lỗ trên 94 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi Polyester Đình Vũ dù đã khởi động các dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn yêu cầu, song tính đến hết 31/8/2019 vẫn lỗ lũy 5.120 tỷ đồng. Các dự án nhiên liệu sinh học tại Quảng Ngãi lỗ lũy kế hơn 983 tỷ đồng, tại Bình Phước lỗ lũy kế 1.396 tỷ đồng. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam tổng nợ phải trả đến 31/8/2019 lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo Chính phủ, các khó khăn, vướng mắc trong xử lý các dự án trên tập trung ở 3 nhóm vấn đề: giải quyết tranh chấp để quyết toán Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) và quyết toán toàn bộ dự án; vấn đề tài chính để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp; xây dựng phương án thoái vốn.

Cụ thể, việc xử lý tranh chấp các hợp đồng EPC hiện có 7 dự án, doanh nghiệp phát sinh vướng mắc, tranh chấp, đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đề ra. Một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử; trong đó, có 3 dự án nhà máy sản xuất phân bón (Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2 - Lào Cai), dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II nhà máy gang thép Thái Nguyên, các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Phú Thọ và Công ty đóng tàu Dung Quất.

Với vướng mắc về xử lý tài chính cho các dự án, doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo nguyên tắc Nhà nước không cấp thêm vốn và các dự án, doanh nghiệp, cổ đông phía Nhà nước ở một số dự án, doanh nghiệp gặp lúng túng trong quyết định chủ trương góp thêm vốn để có nguồn lực tài chính giải quyết khó khăn cho dự án, nhất là việc xác định nguồn của doanh nghiệp phía Nhà nước dự kiến sẽ góp thêm vào dự án là vốn nhà nước hay vốn của doanh nghiệp.

Cụ thể, một số dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ cho sản xuất, từ đó dẫn đến thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh và làm giá thành nguyên liệu tăng cao.

Bên cạnh đó, một số dự án, doanh nghiệp chưa được giãn khấu hao và tái cơ cấu lại các khoản nợ vay nên tiếp tục khó khăn trong bố trí nguồn tài chính để xử lý các tồn tại, vướng mắc và sắp xếp vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh như: dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyestes Đình Vũ, dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi...

Một khó khăn nổi cộm khác là xử lý việc xây dựng phương án và thực hiện thoái vốn. Ngoại trừ dự án Nhà máy sản xuất đạm DAP số 1-Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung đang có lãi, các dự án, doanh nghiệp còn lại đều thua lỗ hoặc dừng hoạt động nên không nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, các dự án, doanh nghiệp còn tranh chấp hợp đồng EPC nên chưa quyết toán được toàn bộ dự án, chưa có cơ sở để xác định giá trị dự án, doanh nghiệp thoái vốn.

Ngoài ra, các dự án vẫn tiếp tục gặp khó về thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra và nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất nên càng sản xuất càng thua lỗ như dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Bình Phước... Còn dự án bột giấy Phương Nam triển khai bán đấu giá nhưng không thành công do chưa có nhà đầu tư quan tâm; việc kiểm toán, thẩm định giá để bán đấu giá lần hai triển khai còn chậm...

SỚM CÓ HƯỚNG XỬ LÝ PHÙ HỢP

Để giải quyết các tồn tại, yếu kém của nhóm các dự án, báo cáo của Chính phủ đề xuất, cần tập trung cao để xử lý các vướng mắc, tranh chấp ở các hợp đồng EPC, làm cơ sở để xử lý dứt điểm việc quyết toán hoàn thành dự án và các vấn đề khác có liên quan. Các doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị, loại bỏ tâm lý “trông chờ” vào hỗ trợ của nhà nước.

Cụ thể, với dự án Nhà máy thép Việt  - Trung, báo cáo nêu rõ, hiện dự án này chưa hoàn thành được dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm theo phương án ban đầu đề ra, nên hướng xử lý thời gian tới là đề nghị cho phép chuyển đổi thành công ty cổ phần để kêu gọi thêm các nhà đầu tư thực hiện đầu tư dây chuyền cán thép và phát triển công ty.

Với dự án mở rộng giai đoạn II Nhà máy gang thép Thái Nguyên, báo cáo đề xuất hướng xử lý thời gian tới là có phương án bán đấu giá toàn bộ cổ phần Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) tại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên để đảm bảo công khai, minh bạch, thu hồi tối đa phần vốn của VnSteel...

Với dự án Nhà máy sản xuất Polyester Đình Vũ, thời gian tới, sẽ khẩn trương xây dựng phương án khởi động lại toàn bộ nhà máy, làm rõ vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm và hiệu quả tổng thể trong kế hoạch giai đoạn 2020-2024. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền xem xét các kiến nghị của Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và cho phép khoanh khấu hao tài sản cố định tối thiểu trong vòng 3 năm đầu khi nhà máy vận hành trở lại.../.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất