Hạ tầng phát triển không chỉ đáp ứng tốt đời sống của quân và dân xã đảo, Song Tử Tây còn có âu tàu với sức chứa hơn 100 tàu công suất lớn, đáp ứng tốt nhu cầu tránh trú bão của ngư dân.
“Quần đảo Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Gìn giữ phần lãnh thổ thiêng liêng này, không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng hải quân. Đó là nhiệm vụ của tất cả các Bộ, ngành, cùng toàn thể nhân dân mà việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế lớn của vùng biển Trường Sa chính là một trong những giải pháp bền vững nhất để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng này.”
Lời của Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương - Phó chính ủy Quân chủng Hải quân tại lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh tại khu vực đảo Gạc Ma trong chuyến công tác mới đây tại quần đảo Trường Sa như một lời nhắn nhủ, kêu gọi đầy tha thiết của biển, của Trường Sa, của nơi đầu sóng thiêng liêng với đất liền.
Cùng với những cảm xúc mãnh liệt về tình yêu Tổ quốc, sự cảm phục trước công việc và cuộc sống của những chiến sỹ, người dân nơi địa đầu sóng nước, không ít người trong đoàn công tác mang theo nỗi trăn trở với vấn đề đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế lớn của vùng biển Trường Sa…
Song Tử Tây là hòn đảo nổi đầu tiên chúng tôi ghé thăm trong hành trình đến với quần đảo Trường Sa. Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, mọi cảm xúc như vỡ òa khi nhìn thấy xã đảo Song Tử Tây với màu xanh bạt ngàn của những cây phong ba, bão táp, bàng vuông, thấp thoáng những mái nhà phủ những tấm pin năng lượng Mặt Trời lấp loáng trong nắng và sững sững những trụ điện gió chạy dài từ khu dân cư đến cầu cảng…
So với trước đây, hiện nay, xã đảo Song Tử Tây đã khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều. Cùng với nhà ở và các công trình dân sinh kiên cố, chùa Song Tử Tây với mái ngói âm dương nằm bên bờ biển quanh năm sóng vỗ và tượng đài Trần Hưng Đạo uy nghi hướng ra biển không chỉ là chốn về với tâm linh của nhân dân và cán bộ, chiến sỹ trên xã đảo, mà còn là sự gợi nhớ đến quê hương, đến tổ tiên và hào khí của cha ông vượt trùng khơi ra với đảo…
Hạ tầng phát triển không chỉ đáp ứng tốt đời sống của quân và dân xã đảo, Song Tử Tây còn có âu tàu với sức chứa hơn 100 tàu công suất lớn, đáp ứng tốt nhu cầu tránh trú bão của ngư dân.
Âu tàu ở đảo Song Tử Tây (Ảnh: TTXVN)
Cùng với âu tàu rộng lớn, hiện đại, đội dịch vụ hậu cần nghề cá tại âu tàu đảo Song Tử Tây còn thực hiện dịch vụ cung ứng nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm; dịch vụ y tế và cứu hộ, cứu nạn; dịch vụ sửa chữa tàu thuyền; dịch vụ khai thác, thu mua và sơ chế hải sản, cung cấp vật tư nghề cá; dịch vụ khai thác âu tàu và nuôi trồng hải sản…
Đối với ngư dân đang khai thác thủy sản trên vùng biển Trường Sa, đây như là ngôi nhà để họ trở về mỗi khi bão tố hoặc tàu gặp nạn, thiếu lương thực, nước ngọt... Đến đây, tàu thuyền được cung ứng nhiên liệu theo giá quy định của Nhà nước trong đất liền, được chăm sóc y tế, cung cấp nước ngọt miễn phí, được sửa chữa miễn phí tiền công khi gặp sự cố, được cung ứng lương thực, thực phẩm, bán sản phẩm và dịch vụ vận chuyển sản phẩm vào đất liền tiêu thụ theo giá thỏa thuận.
Vào mùa mưa bão, biển động, tàu thuyền cũng được hướng dẫn vào âu neo đậu tránh gió, tránh bão và cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có sự cố xảy ra. Từ khi âu tàu được xây dựng, các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân ở ngư trường Song Tử Tây cũng như trên quần đảo Trường Sa nhộn nhịp hơn nhiều so với trước đây.
Không rộng như đảo nổi Song Tử Tây, đảo chìm Đá Tây nằm trên bãi ngầm san hô với những doi cát nổi cao, bên trong có một hồ nước rộng, là nơi lý tưởng làm chỗ neo đậu cho tàu đánh cá xa bờ của ngư dân tránh bão an toàn.
Phát huy lợi thế đặc trưng của đảo chìm này, cùng sự giúp đỡ hiệu quả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khu Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Khai thác Hải sản Biển Đông) và Đội Nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty Hải sản Trường Sa được hình thành và đi vào hoạt động với nhiều hạng mục và khu vực tiếp nhận, cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, thu mua hải sản của các tàu đánh bắt xa bờ.
Dịch vụ này đã giúp ngư dân đánh bắt xa bờ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển để khai thác ở những ngư trường thuận lợi, từ đó nâng cao hiệu quả và lợi nhuận vươn khơi.
Mô hình nuôi cá lồng ở đảo Đá Tây. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh đó, Đội Nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây cũng đã thực hiện nhiều mô hình thí điểm nuôi thủy sản với các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá chim trắng, cá chẽm, cá hồng đen, cá mú…; trong đó có nhiều loại phát triển tốt, có triển vọng mở rộng quy mô đại trà phục vụ xuất khẩu.
Không chỉ ở Song Tử Tây, Đá Tây, nhiều đảo khác trên khu vực quần đảo Trường Sa có những âu tàu lớn, đáp ứng tốt nhu cầu tránh trú bão của ngư dân.
Ngư dân Hồ Xuân Dũng thuộc tàu cá mang số hiệu 96479 của tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Tùy ngư trường, tùy mùa vụ, có những chuyến ra khơi kéo dài tới 2-3 tháng. Lênh đênh dài ngày nhưng chúng tôi không còn nỗi lo thiếu nước ngọt, hết lương thực hay anh em bạn thuyền đau ốm vì đã có các âu tàu và các khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo.”
“Giữa trùng khơi, có một nơi để về đã cho chúng tôi cảm giác huyện đảo Trường Sa là hậu phương vững chắc của ngư dân nơi đầu sóng. Cũng có khi không có nhu cầu gì cần hỗ trợ, nhưng việc đi qua và ghé thăm các cán bộ, chiến sỹ trên đảo, chỉ để hỏi thăm nhau dăm ba câu chuyện, chia sẻ với nhau mấy con cá ngon vừa bắt được hay chút quà từ đất liền gửi ra cũng đã trở thành nếp quen,” ông Hồ Xuân Dũng tâm sự.
Ông Dũng cũng cho biết, những năm trước đây, do chưa có điều kiện sắm tàu to, ngư dân đi Trường Sa với tàu chỉ 45-65 mã lực. Còn hiện nay, ngư dân đi Trường Sa với máy công suất lớn từ 90 mã lực trở nên. Ra khơi bám biển, ngư dân không còn nỗi lo bơ vơ không nơi tránh trú khi gặp bão, không còn nỗi lo phải quay đầu về bờ khi nguồn lương thực, nước ngọt cạn dần.
Nhiên liệu, lương thực, nước ngọt được cung cấp ngay trên biển đã giúp cho ngư dân thật sự yên tâm bám biển dài ngày. Thậm chí, ngư dân không phải đem tiền theo tàu, mà khi cần mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm có thể ghé vào các điểm dịch vụ hậu cần nghề cá để mua với giá bằng ở đất liền và người ở nhà có thể thanh toán cho đội dịch vụ hậu cần thông qua tài khoản ngân hàng.
Các tàu cũng có thể vào đây bán sản phẩm cho công ty, mua nhiên liệu, tiếp tục đánh bắt, không còn phải chạy vào đất liền bán hàng, cũng không phải đối mặt với cảnh bị thương lái ép giá khi cao điểm hàng về cảng.
Với những âu tàu rộng lớn, các khu dịch vụ hậu cần nghề cá đang từng bước hiện đại, cùng với sự tương thân tương ái và tinh thần sẵn sàng chia sẻ của các cán bộ, chiến sỹ, các điểm đảo ở Trường Sa chính là điểm tựa vững chắc của ngư dân trong hành trình vươn khơi. Bên cạnh đó, nghề nuôi cá biển cũng như đánh bắt, khai thác cá ở Trường Sa trên đường hoàn thiện và phát triển, hứa hẹn nhiều cơ hội mới.
Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Tây A. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng này, vẫn còn nhiều việc cần làm; trong đó cần phải hoàn thiện khả năng cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá tương xứng với khả năng đánh bắt, khai thác hải sản ở ngư trường Trường Sa vốn rất giàu tiềm năng. Nhiều khu dịch vụ hậu cần cần được chủ động về nguồn nước ngọt thay vì vẫn phụ thuộc chính vào nguồn nước mưa như hiện nay. Mặt khác, cần được đáp ứng thêm khả năng tích trữ lương thực, thực phẩm để cung ứng cho ngư dân.
Bên cạnh đó, nhu cầu điện cho các khu dịch vụ hậu cần và nuôi trồng thủy sản trên các đảo cũng cần được đảm bảo để việc bảo quản, chế biến và có thể xuất khẩu thủy sản trực tiếp từ đảo được thực hiện trong tương lai không xa.
Việc đầu tư khai thác tiềm năng đánh bắt, nuôi trồng hải sản ở quần đảo Trường Sa sẽ góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó cũng là một trong những chương trình quan trọng của Chiến lược biển đảo Việt Nam đến năm 2020./.
Có lênh đênh những ngày dài trên biển, mới hiểu được niềm vui ấm áp và lòng tự hào dân tộc trào dâng khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng thắm tươi cắm trên nóc những con tàu đánh bắt cá của ngư dân.
Giữa dài rộng trùng khơi, xanh thẳm khôn cùng của trời, của biển, mỗi chiếc tàu cá mang trên mình lá cờ Tổ quốc giống như cột mốc chủ quyền cắm trên vùng biển thân yêu. Đó là sự khẳng định hiên ngang về chủ quyền non sông, biển trời của nước Việt.
Theo VN+