Dù hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 2,7%, song chuyên gia của Standard Chartered vẫn nhận định vị thế thương mại của Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ ở cả ngắn và trung hạn.
Ngân hàng Standard Chartered vừa hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 xuống 2,7% từ mức 4,7%, sau khi tăng trưởng trong quý 3 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng này cũng đánh giá tốc độ hồi phục kinh tế sẽ gia tăng trong năm 2022 và duy trì mức dự báo tăng trưởng cho năm tới ở mức 7%.
Cách đây 1 tháng, ngân hàng này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 từ mức 6,5% xuống 4,7% đồng thời hạ dự báo năm 2022 từ mức 7,3% xuống còn 7%.
“Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ hồi phục trong quý 4, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào tiến trình mở cửa trở lại của các doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh. Mặc dù kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ được thúc đẩy ở thời kỳ hậu COVID-19, chúng tôi cũng vẫn thận trọng cho đến khi các dấu hiệu hồi phục trở nên rõ ràng hơn. Khả năng kiểm soát dịch COVID-19 sẽ tác động đến triển vọng trong ngắn hạn,” ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cũng đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì mức lãi suất chính sách ở mức 4% để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tiếp tục thận trọng với các rủi ro lạm phát có thể bị tác động bởi các yếu tố đến từ yếu tố nguồn cung.
Theo Standard Chartered, mức dự báo của ngân hàng có thể sẽ giảm xuống, cùng với đó là việc giảm lãi suất có thể xảy ra, nếu những tác động của dịch COVID-19 lên nền kinh tế kéo dài quá tháng 10. Kịch bản đó có thể ảnh hưởng tới vị thế thương mại của Việt Nam.
Chuyên gia Standard Chartered cũng đánh giá tình hình dịch cùng với các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng trong thời gian dài có thể gây nên những tác động lên nền kinh tế trong ngắn và dài hạn, từ đó gây ra những rủi ro hệ lụy như lạm phát gia tăng và thu hẹp dư địa tài khóa. Tuy nhiên, vị thế thương mại của Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ ở cả ngắn và trung hạn.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra dự báo, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022.
Tuy nhiên, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam vẫn tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II/2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng. Vì vậy, ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, của việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới và sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, cuối tháng Chín, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mùa Thu năm 2021 của Ngân hàng Thế giới lại nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi về tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5%-7% từ năm 2022 trở đi.
Tính toán này của WB dựa trên giả định các biện pháp giãn cách sẽ giúp kiểm soát lây nhiễm COVID-19 thành công vào cuối quý 3, để nền kinh tế bật lại vào quý 4. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu được duy trì sẽ đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực (Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc).
Tuy nhiên, WB lưu ý, dù các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang trên đà phục hồi, nhưng quá trình vẫn tiềm ẩn bất định liên quan đến sự xuất hiện của biến chủng COVID-19 mới và tiến độ tiêm vaccine chưa đồng đều trên toàn cầu. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia có các hoạt động sản xuất đang bật dậy mạnh mẽ hơn./.
Theo Vietnam+