Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 21/5/2021 9:21'(GMT+7)

Sự dân chủ qua ba vòng hiệp thương

Người dân khu 9, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, xem danh sách cử tri niêm yết tại nhà văn hóa khu.

Người dân khu 9, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, xem danh sách cử tri niêm yết tại nhà văn hóa khu.

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao trọng trách là chủ thể hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đồng thời tham gia phụ trách và giám sát quá trình bầu cử, thể hiện sự dân chủ của quá trình nhân dân lựa chọn bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương.

Trong quá trình tham gia vào công tác bầu cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, trong đó đặc biệt quan trọng là việc tổ chức thành công ba vòng hiệp thương ở mỗi cấp, từ Trung ương đến cơ sở để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu ứng cử, lập danh sách sơ bộ và danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đảm bảo dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ra ứng cử.

Trên cơ sở thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1193 ngày 23/1/2021 dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đảm bảo tính đại diện các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu hợp lý.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội ở Trung ương là 207 đại biểu, số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương 293 đại biểu; đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50 đại biểu; đại biểu tái cử khoảng 160 đại biểu.

Đại biểu nữ bảo đảm ít nhất 35%; đại biểu người dân tộc thiểu số bảo đảm ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó chú ý đến các đại biểu ưu tú trong cộng đồng các dân tộc thiểu số từ trước đến nay chưa bao giờ tham gia đại biểu Quốc hội.

Chất lượng của đại biểu chuyên trách quyết định quan trọng đến chất lượng hoạt động Quốc hội. Do đó, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách có năng lực, trình độ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội là một trong những kinh nghiệm quan trọng được đúc rút qua hoạt động của các nhiệm kỳ Quốc hội.

 Theo dự kiến cơ cấu Quốc hội khóa XV, tỷ lệ đại biểu chuyên trách sẽ tăng từ ít nhất 35% lên 40% (trong tổng số 500 đại biểu); đồng thời giảm đại diện ở các khối khác như hành pháp, lực lượng vũ trang... Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách phải đi liền với nâng cao chất lượng của khối đại biểu này.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử, nhất là công tác chuẩn bị về nhân sự đại biểu Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quán triệt sâu sắc Chỉ thị của Bộ Chính trị, tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, cùng các văn bản có liên quan, bảo đảm công tâm, khách quan, đúng quy định.

Danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương đều có trong quy hoạch, được các cơ quan lựa chọn, giới thiệu qua các bước rất chặt chẽ, có sự tìm hiểu, đánh giá cả về hồ sơ và thực tế công tác; được giới thiệu với tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao.

Đây đều là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn sâu, nổi trội, nhiều kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, công tác giám sát, tham mưu quyết định những vấn đề quan trọng; có uy tín, triển vọng phát triển; được các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan nơi công tác và cử tri nơi cư trú giới thiệu với số phiếu tín nhiệm cao để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị hành chính phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; coi trọng chất lượng, lựa chọn đại biểu là những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy tín, trí tuệ; đồng thời bảo đảm cơ cấu hợp lý trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới (đối với cấp tỉnh, cấp huyện), các thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn; có đại diện của các thành phần xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, độ tuổi.

Trong đó, Điều 2 của Nghị quyết nêu rõ một số yêu cầu cần chú trọng như bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ, phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân; bảo đảm tỷ lệ hợp lý người trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương; phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% trở lên đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 ở từng cấp; giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ 2016-2021.

Mở đầu trong quy trình hiệp thương ba vòng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

 

Đến hết ngày 17/2, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất với tinh thần dân chủ, đúng luật, đúng thời gian quy định.

Theo kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cả Trung ương và địa phương giới thiệu) là 1.076 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu.

Nhìn chung, đa số các địa phương nhất trí với dự kiến phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của địa phương mình được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, số người được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656/3.715 đại biểu được bầu theo luật định, đạt tỷ lệ bình quân 2,06 lần trên số đại biểu được bầu (khóa XIV là 1,66 lần; khóa XIII là 2,02 lần).

Bằng việc diễn ra dân chủ, đúng luật, đúng thời gian quy định, kết quả của các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã tạo cơ sở bước đầu cho thành công của quy trình "3 vòng, 5 bước" trong việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tiếp nối thành công của các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, trong các ngày từ 15-19/3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai.

Kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai, ở cả Trung ương và địa phương, tổng số người được đưa vào danh sách sơ bộ là 1.085 người, đạt tỷ lệ 2,17 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu (khóa XIV là 2,29, khóa XIII đạt 2,17 lần).

Theo đó, ở Trung ương, ngày 18/3/2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, gồm 205 người để gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì hội nghị hiệp thương lần hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người tự ứng cử.

Tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ kết quả của hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các địa phương đã lập danh sách sơ bộ được 880 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tại vòng hiệp thương lần hai, vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn của những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội được đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết các ứng cử viên được lựa chọn trên cơ sở tiêu chuẩn và quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội và trên cơ sở Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị liên quan đến công tác bầu cử.

Cụ thể, ngoài các tiêu chuẩn theo quy định của luật như trung thành với Tổ quốc, đất nước, Hiến pháp; các điều kiện về năng lực, phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, khả năng, điều kiện hoạt động, giữ mối liên hệ với cử tri, các đại biểu còn cần có bản lĩnh, "dám nói," phải gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Song song với việc chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba, giai đoạn này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức 5 Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử (đợt 1) ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cử đại diện tham gia các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia để theo dõi, đánh giá tình hình triển khai công tác bầu cử; tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương về khó khăn, vướng mắc đang đặt ra đối với các địa phương và đề xuất phương án giải quyết kịp thời.

Trong các ngày từ 14-18/4/2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Đỗ Văn Chiến, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba là một công việc rất hệ trọng, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn gửi Hội đồng Bầu cử Quốc gia để thực hiện các bước tiếp theo. Kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ ba cũng là mốc cơ sở để các hội nghị tiếp xúc cử tri của các ứng viên được tiến hành theo đúng kế hoạch.

Ngày 16/4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba để thỏa thuận lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của các cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Tại hội nghị, 100% đại biểu tham dự đã biểu quyết, nhất trí thông qua danh sách 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, hội nghị hiệp thương lần thứ ba được tổ chức dân chủ, đúng luật, đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Kết quả, các địa phương đã lập danh sách 665 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó 656 người được giới thiệu ứng cử. Như vậy, sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 870 người, đạt tỷ lệ số dư là 1,74 lần (khóa XIV là 879 người, đạt số dư là 1,76 lần; khóa XIII là 832 người, đạt số dư là 1,66 lần). Đặc biệt, qua ba vòng hiệp thương, số lượng người tự ứng cử là 9 người (1,00%).

Về số người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, theo Báo cáo số 1924/BC-BNV ngày 4/5/2021 của Bộ Nội vụ, có 6.201 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 37.463 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 405.110 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ ba là cơ sở quan trọng để ngày 27/4, Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV gồm 868 người (giảm 2 người do xin rút vì lý do sức khỏe và lý do gia đình), ứng cử tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước, để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong đó, 203 người ứng cử do Trung ương giới thiệu; 665 người ứng cử do địa phương giới thiệu.

Về cơ cấu, ứng cử viên nữ: 393 người (45,28%); ứng cử viên là người dân tộc thiểu số: 185 người (21,31%); ứng cử viên là người ngoài Đảng: 74 người (8,53%). Về độ tuổi bình quân (tính trung bình trong 868 người ứng cử): 46 tuổi, trong đó người cao tuổi nhất là 77 tuổi; người trẻ tuổi nhất là 24 tuổi.

Tuy nhiên, trên cơ sở việc xin rút tên khỏi danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội của hai cá nhân và đề nghị của Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, thành phố nơi hai cá nhân này ứng cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã cân nhắc tình hình và chấp thuận, đồng thời điều chỉnh lại số lượng ứng cử viên bảo đảm bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri tại từng đơn vị bầu cử.

Như vậy, đến nay danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV gồm 866 người. Kết quả của các hội nghị hiệp thương góp phần rất quan trọng vào việc tổ chức thành công ngày hội lớn của non sông - Ngày Bầu cử 23/5 tới./.

Minh Thế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất