Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 18/11/2022 13:51'(GMT+7)

"Sứ mệnh của nhà giáo là kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người"

Cô giáo và học sinh trường Phổ Trường Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cô giáo và học sinh trường Phổ Trường Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 20/11/1982 đã đi vào lịch sử Việt Nam khi chính thức được công nhận là Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày vinh danh nghề dạy học, trở thành Ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam và của toàn dân quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về nghề giáo, với sứ mệnh vinh quang nhưng cũng đầy thách thức.

- Thưa Bộ trưởng, có lẽ hiếm đất nước nào như Việt Nam khi dịp 20/11 không chỉ là Ngày hội của một ngành nghề, mà còn là niềm vui, sự tôn vinh của toàn xã hội. Bộ trưởng có suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngày 20/11 nói là một ngày nhưng cũng có thể nói đó là một tinh thần - một tinh thần của quốc gia, dân tộc vốn có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học, coi trọng tri thức.

Khi tôn vinh sự học thì vai trò của người thầy được đặt ra ở một vị trí rất đặt biệt. Không phải đến khi có ngày 20/11 mới là dịp để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.

Trước đây, khi chưa có ngày này, truyền thống đó cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau, tinh thần đó đã luôn là một dòng chảy lớn. Bốn mươi năm trở lại đây, khi có Ngày Nhà giáo Việt Nam, thì thời khắc ấy, ngày ấy hội tụ, thể hiện tập trung cho một tinh thần đó.

Tôi nghĩ đó là một nét văn hóa, một nét tinh thần, một nét đẹp trong quan hệ, ứng xử của người Việt Nam nói chung, chứ không chỉ là thái độ đối với nhà giáo.

- Nhân dịp đặc biệt này, Bộ trưởng có thể chia sẻ suy nghĩ về vai trò của nghề giáo, nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành giáo dục hiện có hơn 1,2 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Bên cạnh rất nhiều đóng góp to lớn, ý nghĩa của các thầy cô giáo với sự nghiệp giáo dục nói riêng và với sự phát triển đất nước, cũng tồn tại những việc chưa tốt ở nơi này nơi kia.

Tuy nhiên, đó là những trường hợp cá biệt, thiểu số và không thể lấy đó để khái quát tình hình hay đánh giá phiếm diện về nghề giáo.

Đất nước ta đang đặt ra những mục tiêu phát triển trở thành một nước công nghiệp có thu nhập khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Đó là mục tiêu rất lớn của quốc gia và để đạt được mục tiêu đó, phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong ba giải pháp đột phá chiến lược.

Trong bối cảnh ấy, ngành giáo dục đứng trước những trọng trách, yêu cầu, thách thức và cơ hội rất lớn, bởi để thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo đóng vai trò cốt yếu.

Từ hệ thống phổ thông đến hệ thống đại học đều đặt ra các nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng. Trong các giải pháp cần triển khai, thực hiện, giải pháp có vai trò trụ cột, mang tính chất đột phá, đó là phát triển đội ngũ các nhà giáo, dựa vào lực lượng nhà giáo, phát huy trách nhiệm của lực lượng nhà giáo, lấy việc đổi mới phương pháp, tư duy của đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Chưa bao giờ lực lượng nhà giáo được đặt trước trách nhiệm, sứ mệnh vinh quang như hiện nay và cùng với đó, thách thức cũng lớn lao hơn bao giờ hết.

Sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục mà Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang triển khai có can hệ tới việc thành bại của công cuộc đổi mới quốc gia,yếu tố quyết định thành công hay không, đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định.

Vì vậy, sự quan tâm đối với đội ngũ nhà giáo không chỉ là chính sách xã hội, thể hiện một truyền thống văn hóa, mà còn thể hiện quan điểm phát triển và sự tính toán mang tính thực tế nhất cho phát triển đất nước.

Cùng với đó, nghề giáo cần sự tôn trọng, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ và luôn được đặt vào đúng vị trí trang nghiêm như vốn có.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

- Với sứ mệnh và những thách thức lớn như Bộ trưởng vừa chia sẻ, vậy trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm giảm áp lực cho giáo viên?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Để giảm áp lực cho nghề giáo, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường.

Môi trường làm việc thuận lợi cũng là một yếu tố quan trọng để thầy cô giáo phát huy tốt năng lực, sở trường và thực hiện tốt trách nhiệm của nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát các chế độ chính sách quy định về quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, sẽ chuyển Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ theo quy định.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Luật này, quá trình xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, xem xét đầy đủ các khía cạnh của nghề nhà giáo để có thể đưa ra các chính sách tốt đối với đội ngũ nhà giáo. 

Đổi mới giáo dục là việc tất yếu phải làm theo Nghị quyết của Trung ương, do đó, ngành tính toán hỗ trợ tối đa để giáo viên có thể điều chỉnh bản thân, thích ứng được yêu cầu, phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, tương tác với học sinh.

Đây là thay đổi lớn nên cần quá trình, ngành giáo dục và nhà trường phải hỗ trợ, chia sẻ, giáo viên mới có thể hoàn thiện, phục vụ tốt cho công việc. 

- Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng muốn gửi gắm thông điệp gì tới các thầy cô giáo trên cả nước?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành Giáo dục và Đào tạo đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ lớn, trọng trách nặng nề mà thực hiện trong bối cảnh toàn xã hội ở giai đoạn chuyển đổi.

Có những thách thức, éo le đối với đội ngũ giáo viên trong quá trình chuyển đổi của toàn xã hội. Hơn bao giờ hết, nhà giáo cần phải bám chắc vào chỗ dựa quan trọng của nghề nghiệp, đó là sứ mệnh kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người. Cần lấy đó làm chỗ dựa, làm sự động viên tinh thần.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi gửi tới các thầy cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp, mong các thầy cô sẽ có ngày kỷ niệm thật vui và ý nghĩa.

Tôi cũng muốn gửi gắm tới các thầy cô, nghề nghiệp của chúng ta dù đầy thách thức, gian lao nhưng chúng ta có chỗ dựa, có niềm tin về những điều tốt đẹp đang làm, nên khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.

Cuộc sống luôn luôn biến động, luôn thay đổi từng ngày, luôn thách thức nhưng chúng ta có một cái bất biến để lấy đó làm chỗ dựa, đó là chúng ta kiến tạo con người, tạo dựng nên những thế hệ học trò, những con người lương thiện, sáng tạo, trách nhiệm.

Đó là những giá trị để chúng ta vượt qua được mọi thử thách và tìm được niềm vui bất tận trong công việc của mình.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất