Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 28/5/2009 22:36'(GMT+7)

Sửa chữa di tích qui mô nhỏ - không phải lập dự án

Các khu di tích cần được bảo vệ và khai thác hiệu quả (ảnh Cinet)

Các khu di tích cần được bảo vệ và khai thác hiệu quả (ảnh Cinet)

Chiều nay (28/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hoá.

Luật Di sản Văn hoá được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2002. Tính đến hết tháng 2/2009, đã có 3006 di tích được xếp hạng di tích quốc gia.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung bảo vệ, trùng tu, sửa chữa di tích, quản lý cổ vật, thành lập bảo tàng…

Lập xong dự án sửa chữa thì di tích đã hỏng

Theo Luật Di sản Văn hoá, muốn sửa chữa dự án thì phải lập dự án, trình duyệt được sự đồng ý của cơ quan quản lý rồi mới được sửa. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đưa ra câu hỏi: Một di tích bị hỏng cánh cửa và mấy viên ngói thì cũng phải lập dự án? Nếu phải làm theo đúng quy trình này tốn thời gian, di tích sẽ bị hỏng nặng hơn.

Từ thực tế mà đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phản ánh, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) kiến nghị: “Tu bổ, phục hồi di tích ở qui mô nhỏ thì không cần thiết xây dựng dự án”.

Còn các đại biểu Đào Xuân Nay, Huỳnh Văn Tí (đoàn Bình Thuận) cho rằng: Hiện nay có nhiều di tích ở một số địa phương đã xuống cấp trầm trọng cần được phục chế, bảo tồn nhưng kinh phí dành cho hoạt động này còn rất hạn chế. Địa phương trông chờ vào phía các cơ quan Trung ương nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy rót tiền xuống nên nhiều di tích năm này qua năm khác ngày càng bị tàn phá do thiên nhiên, thời tiết. Vì vậy, các cơ quan của ngành Văn hoá cần quan tâm nhiều hơn đến việc giữ gìn, phục chế các di tích bị hư hỏng, xuống cấp.

Theo đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên), Luật cũng cần qui định chặt chẽ về trách nhiệm, nghĩa vụ, ý thức bảo vệ và xử lý vi phạm của những người sống trong khu vực di tích.

Đại biểu Phan Trung Lý (đoàn Nghệ An) đưa ra ý kiến: Hiện nước ta còn nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích rất đẹp nhưng chưa được xếp hạng. Đây là tài nguyên vô cùng quý giá để góp phần phát triển du lịch nên Bộ VH-TT và Du lịch cần có tờ trình yêu cầu UNESCO xếp hạng.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) phản ánh từ trước tới nay chúng ta mới chỉ bảo vệ các di tích lịch sử đã được xếp hạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cả di tích chưa được xếp hạng cũng rất cần được bảo vệ. Bởi nhiều di tích đến khi được xếp hạng thì đã bị phá huỷ, xuống cấp hoàn toàn.

Nhiều hoạt động “biến tướng”, “ăn theo” di tích

Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) khẳng định, sau 7 năm thực hiện Luật Di sản Văn hoá, các di tích bị lợi dụng rất nhiều, làm mai một ý nghĩa, giá trị của di tích. Đại biểu đưa ra dẫn chứng: chỗ nào cũng để hòm công ích. Một số người lợi dụng các di tích để buôn thần, bán thánh (lên đồng, gọi hồn…).

Đại biểu Nguyễn Văn Luật (đoàn Kiên Giang) nêu ý kiến: Việc phục dựng các lễ hội dân tộc là rất cần thiết. Tuy nhiên hiện đang diễn ra tình trạng tổ chức lễ hội còn tốn kém, tại các lễ hội vẫn còn các tệ nạn như cờ bạc, thi đấu ăn tiền. Đại biểu đề nghị cần có biện pháp khắc phục tình trạng này.

Cùng mối lo ngại này, đại biểu Dương Hiền (đoàn Lạng Sơn) đưa ra con số: Cả nước có gần 7.000 lễ hội/năm. Nếu tổ chức không khéo thì rất lãng phí bởi hầu hết lễ hội nào cũng đều bày biện, quay phim, chụp ảnh rất cầu kỳ. Đại biểu cho rằng, Luật cũng cần qui định rất chặt chẽ phần lễ hội để tránh lãng phí, các tệ nạn xã hội lợi dụng phát triển.

Bắt buộc đăng ký quyền sở hữu cổ vật

Luật Di sản văn hóa đã mở ra những cánh cửa mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di vật, cổ vật. Nhiều sưu tập cổ vật tư nhân đã được huy động để trưng bày ở các bảo tàng trong cả nước. Nhiều hội cổ vật đã ra đời, hoạt động khá sôi nổi, phục vụ các hoạt động lớn của ngành và của đất nước như tham gia triển lãm chuyên đề tại bảo tàng, triển lãm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, triển lãm hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam... Các địa phương ngày càng chú ý tới việc bảo vệ cổ vật trong các di tích và di chỉ khảo cổ học.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu, ở nhiều nước trên thế giới, việc sở hữu một món đồ cổ là kiêu hãnh của mỗi vị chủ nhân. Thế nhưng, ở Việt Nam nếu ai có đồ cổ thì phải lo cất cho thật kỹ, thậm chí nơm nớp lo sợ vì từ trước tới nay, việc buôn bán cổ vật ở Việt Nam hầu như là trái phép.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: “Hiện nay, số cổ vật rất lớn do tư nhân nắm giữ. Đại bộ phận là bất hợp pháp nhưng Nhà nước không thể tịch thu. Trong luật mới chỉ khuyến kích đăng ký sở hữu cổ vật. Tuy nhiên, cần phải có những qui định ràng buộc chặt chẽ về việc đăng ký cổ vật. Nhà nước bắt buộc những người có cổ vật phải đăng ký và cấp giấy chứng nhận để tránh trường hợp một số người lợi dụng để lừa lọc người khác kiếm lời”. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đưa ra giải pháp: Nên cho đăng ký rồi thẩm định để cấp giấy chứng nhận.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cho rằng, kinh doanh cổ vật đáng lẽ phải là một thị trường sôi động, nhưng ở nước ta lại không làm được việc này. Nhiều người còn không dám đăng ký sở hữu cổ vật “vì sợ đi tới đi lui một hồi rồi cổ vật đó lại không phải của mình nữa” – đại biểu Đặng Thuần Phong nói.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc thẩm định cổ vật mà không thu phí là vô lý. Bởi những người buôn bán cổ vật thu lời bạc tỷ, không có lý do gì Nhà nước phải bỏ tiền bao cấp cho công việc thẩm định. Các đại biểu cũng đề nghị nên mở rộng đối tượng tham gia thẩm định cổ vật (kể cả tư nhân) và có qui chế cụ thể, nếu sai thì phải đền, hầu toà…

Ngày mai (29/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quản lý nợ công./.

VOVNews
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất