Thứ Hai, 23/9/2024
Pháp luật
Thứ Hai, 10/10/2011 22:8'(GMT+7)

Sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2006 - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá: kể từ khi Luật Luật sư năm 2006 có hiệu lực thi hành, hoạt động, luật sư trên cả nước bước đầu có được một vị thế độc lập, trở thành cầu nối đưa pháp luật vào đời sống, là thành tố không thể thiếu trong sự vận động thống nhất hệ thống các chủ thể tư pháp hiện nay, là tiếng nói phản biện trong chiến lược cải cách tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hiện nay, cả nước có tổng số 9.700 luật sư, trong đó có 6.700 luật sư chính thức và khoảng 3.000 người tập sự hành nghề luật sư. Tuy nhiên quá trình thi hành Luật Luật sư cho thấy sự phát triển "nóng" về số lượng, chưa tương xứng với tiền năng và yêu cầu của thị trường dịch vụ pháp lý, chất lượng, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề của một số luật sư vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa thể hiện tính chất chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề... Luật sư Phan Trung Hoài (Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Luật sư Liên đoàn luật sư Việt Nam) cho biết: theo đánh giá của nhiều Đoàn Luật sư địa phương, do Luật Luật sư không quy định điều kiện, năng lực nhân sự, mức vốn pháp định... nên dẫn đến một thực tế là đa phần quy mô của các tổ chức hành nghề luật sư ở nước ta còn khiêm tốn, trung bình 1 tổ chức chỉ có khoảng từ 1 đến 3 luật sư, hoạt động nhỏ lẻ, ít có tính liên kết trong hành nghề...

Nói về vấn đề tập sự hành nghề luật sư, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thế Phong, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An cho rằng, để người tập sự có cơ hội thực hành nghề nghiệp cần quy định về tập sự giống như Pháp lệnh luật sư năm 2001, không gọi là "Người tập sự hành nghề luật sư" mà gọi là "Luật sư tập sự", đồng thời cho phép luật sư tập sự được tham gia thực hành nghề nghiệp, trong đó có cả quyền tham gia tố tụng tại Toà án cấp huyện. Luật sư Phong đề nghị nhằm tăng cường trách nhiệm học tập, rèn luyện kỹ năng hành nghề trong thời gian tham gia tập sự luật sư, Luật Luật sư cần quy định luật sư tập sự bắt buộc phải đáp ứng được số giờ tối thiểu tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng pháp luật, trao đổi kỹ năng hành nghề do Đoàn luật sư hoặc các cơ quan, tổ chức khác thực hiện. Ngoài ra, người tập sự phải qua khóa học bắt buộc để học tập về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Đại biểu đề nghị cần quy định ngay trong Luật về trách nhiệm của Luật sư hướng dẫn và Tổ chức hành nghề luật sư trong việc nhận hướng dẫn luật sư tập sự. Cụ thể là quy định trách nhiệm về tổ chức, hướng dẫn học tập nghiệp vụ, học tập kỹ năng hành nghề, học tập Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp cho luật sư tập sự...

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng cần sửa đổi các quy định của Luật Luật sư theo hướng xác định rõ vị trí, vai trò của luật sư trong hệ thống tư pháp xét xử, tạo điều kiện bảo đảm các quyền hành nghề của luật sư, đặc biệt là từ giai đoạn điều tra vụ án, để luật sư thực sự là một thành tố quan trọng trong hoạt động tư pháp, bảo vệ công lý và công bằng xã hội; tăng cường việc kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề luật sư của các Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư để kịp thời giúp đỡ kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các luật sư trong quá trình hành nghề...

Những ý kiến của các luật sư sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng hỗ trợ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc chuẩn bị báo cáo đóng góp ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư gửi tới Ban soạn thảo và các cơ quan nhà nước có liên quan./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất