Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 22/9/2014 10:13'(GMT+7)

Sức lan tỏa từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

 Sau 5 năm thực hiện, Cuộc vận động đã góp phần phát huy ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong cộng đồng dân cư. Nhận thức của toàn xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt, từ nhận thức của người tiêu dùng đến người sản xuất và phân phối lưu thông.

* Nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt

Tại Khối Doanh nghiệp Trung ương, đa số cán bộ đảng viên, người lao động các đơn vị đều nhận thức việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một chủ trương đúng đắn, kịp thời giúp các doanh nghiệp có thêm những biện pháp mới, phương thức mới trong hợp tác sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn.

Trong mỗi doanh nghiệp, ý thức sản xuất, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của nhau đã chuyển biến rõ rệt, có đơn vị đạt mức tỷ lệ nội địa hóa trên 90%. Để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, các doanh nghiệp trong Khối rất coi trọng việc duy trì và nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu, tích cực đổi mới công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Nhiều dự án trước đây do nước ngoài đầu tư và thực hiện, nay các doanh nghiệp trong Khối vươn lên làm chủ về vốn, kỹ thuật, tự đầu tư, xây dựng, lắp đặt, vận hành. Chất lượng công tác nghiên cứu khoa học được cải thiện thêm một bước. Tỷ lệ đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng và phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh ngày một nâng lên. Điển hình như: Việc đầu tư đóng các giàn khoan lớn, trong đó có giàn khoan thuộc diện có công nghệ hiện đại nhất trên thế giới trước đây phải mua hoặc thuê của nước ngoài của Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam. Công nghệ chuyển mạch sử dụng cho mạng thế hệ mới, công nghệ truyền dẫn vệ tinh Vinasat, công nghệ truy cập băng thông rộng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam...

Cùng với xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp rất chú trọng nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ cả về chất lượng và giá cả; xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật công nghệ, làm chủ được các công nghệ mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài. Hiện nay, chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước như hàng dệt may, bánh kẹo, thuốc lá, cà phê, lương thực, săm lốp ô tô, xe máy, dịch vụ bảo hiểm… đã được các doanh nghiệp chủ động đầu tư nâng cao khả năng cạnh tranh, từng bước đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao hơn hàng ngoại nhập từng bước đã chiếm lĩnh làm chủ được thị trường nội địa. Thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá, tiếp thị, tài trợ, các hoạt động tri ân khách hàng..., các doanh nghiệp trong Khối đã duy trì và nâng cao được giá trị, hình ảnh thương hiệu của mình.

* Ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ trong nước

Ý thức được vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp trong Khối doanh nghiệp Trung ương luôn chú trọng việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước để hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, một số doanh nghiệp đã thành công trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước để chế tạo sản phẩm mang tầm vóc quốc tế.

Năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tự chế tạo và hạ thủy thành công giàn khoan nước sâu tự nâng Tam Đảo 03 nặng 12.000 tấn. Đây là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam, thay thế giàn khoan phải mua của nước ngoài trước đây. Giàn khoan làm việc ở độ sâu nước biển 90m, có thể khoan sâu trên 6km, chịu được bão tương đương cấp 12. Sự kiện này đã đưa Việt Nam là một trong 3 quốc gia ở châu Á và một trong 10 quốc gia trên thế giới chế tạo giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón mỗi năm sản xuất gần 2 triệu tấn đạm thương hiệu “Đạm Phú Mỹ” và “Đạm Cà Mau” bằng nguyên liệu trong nước đã có thị phần lớn tại thị trường trong nước và từng bước vươn tới thị trường khu vực. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với các nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc, Ninh Bình, Supe Lâm Thao, Phân lân nung chảy Phú Thọ, Ninh Bình, DAP Hải phòng có sản lượng sản xuất lớn, chất lượng tốt, giá cạnh tranh đã từng bước chiếm lĩnh được thị phần nội địa một cách vững chắc. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã quan tâm xây dựng và thực hiện chương trình đồng hành với nông dân để quảng bá và hướng dẫn tiêu thụ sản phẩm. Tổng công ty công nghiệp xi măng trước đây hàng năm phải nhập khẩu 1 triệu tấn clinker, từ năm 2010 đã hoàn toàn sử dụng clinker sản xuất trong nước để sản xuất xi măng đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nội địa. Từ năm 2009 đến nay, Tổng công ty đã sản xuất và cung ứng cho thị trường nội địa 94 triệu tấn sản phẩm.

Từ năm 2008 cho đến nay, các Tổng công ty lương thực đã đầu tư và mở rộng 5 Nhà máy chế biến gạo và hệ thống kho dự trữ tại Đồng bằng sông Cửu Long, với sức chứa gần 500.000 tấn lúa gạo. Việc đầu tư xây dựng hệ thống kho và nhà máy chế biến lúa gạo đã góp phần thu mua, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, chủ động nguồn hàng để xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của bà con.

Tính đến tháng 6/2014 có 25/32 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã triển khai, thực hiện các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác 2 bên, 3 bên để hưởng ứng Cuộc vận động theo từng lĩnh vực chuyên ngành. Các ngân hàng thương mại trong Khối đã chủ động ký các thỏa thuận hợp tác lâu dài với các tập đoàn, tổng công ty trong Khối trong việc đầu tư nguồn vốn phục vụ sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong ngành có chất lượng cao. Các ngân hàng đã nỗ lực huy động và cung ứng vốn đầu tư bằng VNĐ và ngoại tệ cho các ngành kinh doanh mũi nhọn như dầu khí, điện lực, xăng dầu, lương thực, dệt may, thủy sản v.v..; cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, trung và dài hạn. Các doanh nghiệp bảo hiểm, bảo hiểm tiền gửi từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong Khối thực hiện dịch vụ bảo hiểm, phát triển thị trường giúp giảm thiểu hậu quả rủi ro trong các hoạt động sản xuất kinh doanh ở các tập đoàn, tổng công ty.

* Đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Cùng với việc đầu tư, nâng cao chất lượng sẩm phẩm, hưởng ứng Cuộc vận động, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã chú trọng đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước. Các kênh phân phối được hình thành một cách đa dạng, có sự liên kết theo ngành, lĩnh vực, khu vực địa lý, góp phần đưa hàng hóa trong nước đến với người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu tiêu dùng hàng Việt có chất lượng tại khu vực nông thôn, miền núi.

Hưởng ứng Cuộc vận động, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị thành viên luôn nỗ lực mở rộng các kênh phân phối trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tập đoàn đã mở rộng và phát triển chuỗi siêu thị Vinatexmart trên 28 tỉnh, thành trong cả nước, với trên 50 đại lý bán hàng, kinh doanh hơn 60.000 mặt hàng với 100% hàng Việt Nam. Song song với Vinatexmart là chuỗi siêu thị, cửa hàng của các đơn vị thành viên Tập đoàn như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10...phân phối đa dạng mặt hàng may mặc Việt Nam với kiểu dáng, mẫu mã phong phú...đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt 4.125, tăng trên dưới 5%/ năm và dự kiến đạt tổng số 4.286 trong năm 2014.


5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng đánh dấu thành công của chiến lược phát triển thương hiệu của các đơn vị trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam, khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh với các nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các đơn vị thành viên Tập đoàn đã mở rộng đầu tư, phát triển và quảng bá các thương hiệu mới nhằm tạo cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn đối với sản phẩm dệt may Việt Nam có chất lượng cao. Với hệ thống phân phối rộng khắp của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, những sản phẩm, thương hiệu mới sẽ đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng nhằm mang đến sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều tổ chức, cá nhân người Việt Nam đã dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương. Cuộc vận động tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước. 5 năm qua, Cuộc vận động đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, nhiều mặt hàng Việt đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất