Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 14/3/2009 17:38'(GMT+7)

Suy giảm kinh tế đã chậm lại

Ông Nghĩa nói:

- Chính phủ triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế theo hai hướng. Chính sách tiền tệ, tập trung vào việc giảm lãi suất (LS) và bù LS. Chính sách tài khóa chủ yếu là tăng cường đầu tư công, giãn, giảm và miễn thuế, tăng lương và tài trợ đối tượng chính sách.

Đến thời điểm này gói kích cầu bù LS thực hiện tương đối tốt. Hiện vốn giải ngân có bù LS là trên 100.000 tỉ đồng. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tín dụng tháng 2 đã tăng lên 1,5% so với đầu năm. Đây là tín hiệu quan trọng cho thấy suy giảm kinh tế đã bắt đầu chậm trở lại.

Trong khi đó, gói đầu tư công cũng đã triển khai nhanh và đúng đối tượng, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, trường học, bệnh viện, nhà ở giá rẻ... Với hướng kích cầu như vậy đang có những thành công bước đầu và trong những tháng tới đây sẽ tạo hiệu ứng cao hơn trong cuộc sống.

Nhiều DN kêu vẫn khó vay vốn có bù LS, theo ông, nên xử lý vấn đề đảo nợ thế nào và có cần mở rộng thêm đối tượng?

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tháo gỡ: thêm công ty tài chính có cho vay bù LS, về đối tượng được bù LS có thêm ngành khai thác mỏ... Theo tôi, cần mở rộng thêm đối với ngành xây dựng vì hiện nay chỉ DN trong lĩnh vực thi công được bù LS, còn chủ đầu tư thì không.

Như vậy sẽ hạn chế DN xây dựng phát triển, lĩnh vực được đánh giá là có thể tạo ra tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn.

Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay các ngành khác ở VN cầm cự được đã là tốt, riêng ngành xây dựng có nhiều cơ hội phát triển, góp phần vực dậy nền kinh tế.

"Xem xét cơ chế đảo nợ hợp pháp giúp DN giảm chi phí tài chính; mở rộng đối tượng được bù LS, đặc biệt là ngành xây dựng và vốn trung - dài hạn để DN tranh thủ thời cơ đổi mới công nghệ, một hình thức cơ cấu lại nền kinh tế. Nếu không tranh thủ cơ hội để đổi mới công nghệ thì sau khủng hoảng ta vẫn cũ, chẳng có gì tiến bộ công nghệ, sẽ khó cạnh tranh với các nước"

TS Lê Xuân Nghĩa

 

Cũng nên xem xét có một cơ chế giúp DN đảo nợ hợp pháp, giảm bớt gánh nặng LS cho DN. Nếu đảo nợ để có vốn duy trì được công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động thì không khác gì DN được cấp cứu kịp thời qua cơn nguy kịch... DN đang có nợ cũ với LS cao, nên không thể vay vốn mới được bù LS. Nếu họ có khả năng trả nợ cũ, vay vốn mới có bù LS thì sẽ duy trì được sản xuất kinh doanh.

Ông dự báo đáy suy giảm của nền kinh tế nước ta là khi nào? Nếu kinh tế thế giới vẫn khó khăn, chỉ trông vào thị trường nội địa thì có thể vực dậy nền kinh tế không?

Theo tôi, tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 5-5,5%. Có thể đến quý 3 sẽ chặn đà suy giảm kinh tế và đầu năm sau sẽ tăng trưởng trở lại, nhưng mức tăng có thể chậm vì còn tùy thuộc vào kinh tế thế giới. Khi kinh tế thế giới phục hồi thì kinh tế nước ta sẽ phục hồi nhanh hơn vì chúng ta có thế mạnh về cầu nội địa và hàng hóa VN xuất khẩu ra nước ngoài có giá rẻ và thường là hàng thiết yếu như nông sản, thực phẩm, dệt may...

Do người dân ở các nước bị giảm thu nhập nên Chính phủ nhiều nước khuyến khích nhập khẩu hàng giá rẻ, trong đó có VN. Đây là cơ hội cho VN có thể tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới. Ngược lại nếu kinh tế thế giới chưa phục hồi thì kinh tế VN phục hồi nhưng sẽ chậm hơn.

Theo ông, các DN nên làm gì để đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế?

- Các giải pháp chống suy thoái kinh tế đang tác động tích cực đến nền kinh tế. Điều này cho thấy kinh tế nước ta có nhiều khả năng sẽ hồi phục sớm hơn dự đoán. Đằng sau các cuộc khủng hoảng cũng đều ẩn nấp những cơ hội. Cơ hội lớn nhất cho VN trong cuộc khủng hoảng này là đổi mới công nghệ.

Giá công nghệ đang rất rẻ, vì vậy DN cần tận dụng gói kích cầu của Chính phủ như cho vay bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển VN để đổi mới công nghệ nhằm đón đầu kinh tế hồi phục. Chính phủ cũng nên mở rộng đối tượng được bù LS, không chỉ vốn lưu động mà cả vốn cố định và thời hạn có thể hết năm nay, thậm chí cả năm 2010 để DN tận dụng cơ hội đổi mới công nghệ.

Hiện các DN nước ngoài đang có nhiều cơ hội để đổi mới công nghệ mới. LS cho vay trung dài hạn ở Mỹ là 4-4,5%/năm, Singapore 5%, thời hạn vay lên đến 15-20 năm.

Còn VN, vốn vay không có bù LS 10%/năm. Điều đó cho thấy cơ hội phát triển lại của các DN nước ngoài rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng khi kích cầu cũng cần đề phòng lạm phát quay lại, ông nghĩ sao?

- Về trung hạn, gói kích cầu có thể tạo ra một số tác dụng phụ như thâm hụt ngân sách tăng, tỉ trọng thâm hụt cán cân vãng lai trên GDP cũng sẽ tăng lên, tạo ra áp lực lạm phát cho những năm sau. Mới đây cũng đã có khuyến cáo về ba nguy cơ có thể xảy ra cho VN trong năm nay là thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại và lạm phát.

Theo tôi, thâm hụt ngân sách có thể khắc phục được trong thời gian ngắn khi kinh tế hồi phục; thâm hụt thương mại không phải là vấn đề lớn bởi chi phí thấp thâm hụt thương mại sẽ không ảnh hưởng lớn đến cán cân thanh toán tổng thể. Riêng lạm phát là vấn đề cần quan tâm. Chính sách nới lỏng tiền tệ, nới lỏng tài khóa có thể gắn liền với xu hướng lạm phát.

Tuy nhiên, lạm phát ở mức độ 5-7%, thậm chí dưới 10% là có thể chấp nhận được. Trong điều kiện hiện tại, những nguy cơ này cần phải chấp nhận bởi nếu xếp theo thứ tự ưu tiên, nó vẫn ít tác động hơn là không làm gì để cứu DN, khi đó lạm phát tuy thấp nhưng kinh tế suy thoái.

Lạm phát cũng là cách thúc đẩy sản xuất, nếu cứ “đè” để lạm phát thấp quá thì mục tiêu kích cầu sẽ rất khó đạt hiệu quả. Theo tôi, nguy cơ lạm phát cao trong năm 2009 là khó xảy ra. Nếu có chỉ xảy ra trong năm 2010 nhưng Chính phủ cũng đã thấy trước và có đủ giải pháp để kiểm soát lạm phát trong trung hạn.

Theo Mỹ Khanh  (Tuổi Trẻ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất