Thứ Hai, 25/11/2024
Thể thao
Thứ Năm, 12/2/2009 9:5'(GMT+7)

Taekwondo Việt Nam: Mơ giữa ban ngày!

Những VĐV kỳ cựu như Nguyễn Văn Hùng (trái) đã nghỉ thi đấu nhưng chưa có người thay thế

Những VĐV kỳ cựu như Nguyễn Văn Hùng (trái) đã nghỉ thi đấu nhưng chưa có người thay thế

Vượt mặt người Thái?

Theo kế hoạch, ngày 15/2 tới đây, đội ĐTQG Taekwondo sẽ chính thức được giao cho HLV Kim Jae Sik, người từng vô địch thế giới năm 2005 ở hạng -62kg (mức lương dành cho HLV này là 2.700 USD/tháng trong bản hợp đồng được ký từng năm). Vị HLV này chỉ mới 28 tuổi và vừa giải nghệ hơn 2 năm nay. Trong khi đó, HLV trưởng Nguyễn Đăng Khánh xin rút lui khỏi đội tuyển sau Olympic 2008.

Trước đây VTF chỉ thuê chuyên gia người Hàn Quốc Kim Seon Kyoo, cựu Trưởng ban trọng tài của Liên đoàn Taekwondo châu Á, làm cố vấn từng giải đấu cụ thể. Sự ảnh hưởng của chuyên gia này không thuần túy chỉ ở mặt chuyên môn, mà còn tạo được sự ảnh hưởng với làng Taekwondo thế giới bởi tên tuổi và vị trí hiện tại của mình.

Tuy nhiên, đã đến lúc Taekwondo Việt Nam muốn tạo được sức mạnh bằng nguồn nội lực của chính mình, nghĩa là lực lượng VĐV kế cận phải dồi dào và hội tụ đầy đủ kỹ, chiến thuật. Nhiệm vụ của HLV Hàn Quốc Kim Jae Sik là phải giúp Taekwondo Việt Nam rút ngắn cách biệt về thành tích với người làng giềng Thái Lan.

Trong thời gian gần đây, Taekwondo VN luôn xếp sau Thái Lan ở đấu trường SEA Games hay Olympic. Cụ thể, trong khi VN tay trắng tại Olympic Athens và Bắc Kinh thì người Thái đã đổi màu chiếc HCĐ tại Olympic Athens 2004 bằng HCB tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Trong năm 2009 này, nhiệm vụ cụ thể dành cho HLV Kim là đem về 3-4 HCV cho VN tại SEA Games 25. Ở SEA Games 24 tại Korat, Taekwondo Việt Nam giành 3 HCV, 4 HCB và 6 HCĐ, thành tích này dù vượt chỉ tiêu đề ra nhưng cũng chưa thể hiện được tiềm năng của Taekwondo Việt Nam. Với việc đưa nội dung quyền vào chương trình thi đấu (Việt Nam cũng mới có tấm HCV quyền thế giới trong năm 2008) thì khả năng đoạt từ 3 đến 5 HCV là điều hoàn toàn có thể.

Cọ xát có là chìa khóa thành công?

Theo kế hoạch năm 2009 của đội DTQG Taekwondo, các võ sĩ sẽ được tham gia ba giải đấu quan trọng là Giải trẻ ASIAD (nhằm chuẩn bị cho giải trẻ Olympic được tổ chức lần đầu tiên năm 2010 tại Singapore), Đại hội thể thao trong nhà châu Á tổ chức tại VN và SEA Games 25. Trước đó, các tuyển thủ còn được cọ xát tại giải VĐQG 2009, giải Taekwondo quốc tế Hà Nội (4/2009); Cúp Taekwondo các nước nói tiếng Pháp trong (tháng 5/2009), giải TP.HCM (7/2009), giải trẻ Đông Nam Á (Bà Rịa -Vũng Tàu), giải quân đội thế giới (Quân khu 7 – TP.HCM)…

Việc có nhiều giải đấu để các võ sĩ cọ xát có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng tầm của Taekwondo Việt Nam, nhất là các võ sĩ có thể làm quen dễ dàng với Luật thi đấu mới nhất do Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) công bố trong năm 2009.

Được biết, nhằm tạo tính hấp dẫn hơn cho các trận đấu, thảm thi đấu sẽ được thu hẹp lại kích thước chỉ còn 8m x 8m, WTF hy vọng việc thu hẹp thảm đấu sẽ giúp các võ sĩ thi đấu tích cực hơn. Thêm nữa, trước một thực tế là trong thời gian qua, người xem cản thấy chán với các trận đấu Taekwondo vì đa số các võ sĩ đều sử dụng đòn đá vòng cầu ghi điểm, họa hoằn mới có đòn đá chẻ, đá lái. Do vậy WTF đã quyết định bỏ điểm trần, điểm cách biệt, đổi mới cách tính điểm, cho điểm cao các đòn đá kỹ thuật khó, các đòn đá vào vùng mặt.

Song song với đó là kế hoạch tìm kiếm và đào tạo các võ sĩ tài năng cho Taekwondo VN chuẩn bị cho tương lai. Kế hoạch cọ xát dày đặc như thế cũng là cách để các võ sĩ trẻ rút ngắn khoảng cách trình độ so với lớp võ sĩ kỳ cựu luống tuổi đã nghỉ thi đấu hoặc chuyển sang công tác huấn luyện như Nguyễn Văn Hùng, Trần Thị Ngọc Bích, Phan Tấn Đạt, Cao Trọng Chinh, Nguyễn Thị Huyền Diệu,…

Tuy nhiên, việc đào tạo được những võ sĩ trẻ đủ khả năng thay thế lớp đàn anh, đàn chị là rất khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay. Đơn cử như từ trước đến nay, hạng cân -58 kg nam luôn là thế mạnh của Việt Nam ở đấu trường khu vực và châu lục. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, Việt Nam hoàn toàn là con số 0 tròn trĩnh ở hạng cân sở trường này.

May chăng thì cũng chỉ có võ sĩ trẻ Nguyễn Hữu Nhân (TP.HCM) là có kỹ thuật tốt nhưng lại không có được thể hình tốt. Hy vọng dưới sự huấn luyện của chuyên gia Hàn Quốc, Taekwondo Việt Nam sẽ có được lứa võ sĩ trẻ tốt hơn.

(Theo Tin tuc Online)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất