Thứ Sáu, 22/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 16/7/2015 11:11'(GMT+7)

Tái bản 3 cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Trong đó, cuốn tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì được” là dấu mốc quan trọng, khẳng định tên tuổi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trên văn đàn. Tác phẩm này được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí "Tri tân" vào năm 1942. Với tiểu thuyết này, có thể thấy khuynh hướng lịch sử nổi trội trong cách viết của Nguyễn Huy Tưởng. Các tác phẩm khác cùng thời thường đi sâu vào chuyện riêng tư, thói xấu ở phủ chúa Trịnh Sâm thì “Đêm hội Long Trì”, quy mô đề tài, sự phát triển các tuyến nhân vật được mở rộng hơn rất nhiều. Dựa trên tấn bi kịch trong gia đình nhà chúa mà sử sách ghi lại, Nguyễn Huy Tưởng đã dựng lên một bức tranh xã hội phong kiến với nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Tác phẩm cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của kẻ sĩ, người thi hành công vụ trước sự lộng hàng của cái ác. Với một cốt truyện gọn gàng, giàu chất thơ, đầy kịch tính, “Đêm hội Long Trì” đã được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật: chèo, cải lương, điện ảnh, trong đó phim truyện “Đêm hội Long Trì” được đánh giá là một thành công của điện ảnh Việt Nam.

 Kịch “Vũ Như Tô” là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, một vở kịch kinh điển trong văn học Việt Nam. Tác phẩm dựa trên câu chuyện được ghi lại trong sử sách, kể về việc Vũ Như Tô, một người thợ tài hoa ở Cẩm Giàng, được vua Lê Tương Dực giao cho xây dựng tòa điện trăm nóc Cửu trùng đài. Công trình có quy mô lớn này đã khiến đất nước kiệt quệ, nhân dân lầm than. Kết cục, dân chúng bị kích động đã nổi dậy, hùa theo binh lính đốt phá Cửu trùng đài, giết chết vua Lê Tương Dực và người thợ cả Vũ Như Tô… Từ đó, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết nên một vở bi kịch 5 hồi có quy mô lớn, chứa đựng nội dung tư tưởng sâu sắc mà nổi bật là khát vọng sáng tạo khôn cùng của người nghệ sĩ Vũ Như Tô, sự đồng cảm trước nghệ thuật cao cả của cặp nhân vật Vũ Như Tô - Đan Thiềm. Tác phẩm ra đời từ nửa đầu thập niên 40 của thế kỉ XX và được công chúng ghi nhận. Phải đến năm 1995, tức là sau nửa thế kỉ nằm im trên giấy, “Vũ Như Tô” mới được dàn dựng trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ và thành công vang dội...

“Hai bàn tay chiến sĩ” là một trong những cuốn sách nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết cho thiếu nhi được xuất bản trong những ngày đầu thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhân vật chính của cuốn sách được dựng lên từ nguyên mẫu là chiến sĩ Nguyễn Văn Bẩm mà tác giả gặp gỡ trong Hội nghị chiến sĩ toàn quân năm 1952. Trong một trận càn ác liệt của địch, anh bị địch bắt. Chúng dùng nhiều cực hình dã man, thậm chí đốt cả hai bàn tay anh để bắt anh cung khai. Với nghị lực phi thường, anh Bẩm đã vượt qua mọi thử thách để trở về với đồng đội, tiếp tục tham gia chiến đấu. Từ những trang ghi chép người thực, việc thực, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng nên một tác phẩm xúc động. Đọc tác phẩm, độc giả hồi hộp theo dõi từng bước đường của chiến sĩ Bẩm, đau đớn trước những đòn tra tấn của giặc mà anh phải chịu đựng, cảm phục trước sự can trường, mưu trí của anh.

 Cùng với các tác phẩm “Sống mãi với Thủ đô”, “An Tư”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Tìm mẹ”, “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Con cóc là cậu ông Giời”…, các tác phẩm đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tái bản lần này góp phần giúp độc giả thưởng thức trọn vẹn tài năng văn chương Nguyễn Huy Tưởng. Đây đều là những tác phẩm nằm trong "Tủ sách Vàng" dành thiếu nhi và "Tủ sách tác phẩm chọn lọc" dành cho mọi đối tượng bạn đọc của Nhà xuất bản Kim Đồng.

 Trong dịp này, UBND huyện Đông Anh, Viện Văn học, Nhà xuất bản Kim Đồng, Đại học Sư phạm II và gia đình nhà văn tổ chức hội thảo "Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - từ khởi đầu Dục Tú, Đông Anh" tại huyện Đông Anh, quê hương ông.../.

TK

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất