Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 25/12/2012 13:46'(GMT+7)

Tăng công khai để nâng hiệu quả

Phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, sáng 24/12

Phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, sáng 24/12

 Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, sáng 24/12, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản luật

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội nêu vấn đề giữa các bộ, ngành trong soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn phối hợp chưa tốt, nhiều vấn đề xử lý để thống nhất ý kiến còn rất chậm.

Đại biểu đặt vấn đề phải chăng trong quy phạm về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta có những vấn đề dẫn đến bất cập này mà chúng ta chưa khắc phục được? Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho rằng việc phối hợp giữa các bộ, ngành là một hạn chế tương đối phổ biến không chỉ trong công tác xây dựng pháp luật mà kể cả trong điều hành nói chung.

“Những việc nào được giao cho một cơ quan, một cá nhân thì thường thấy kết quả nhanh hơn, cụ thể hơn, còn những việc liên bộ, liên ngành hay trong một cơ quan mà giao cho nhiều đơn vị hay trong một đơn vị mà giao cho nhiều người thì chậm thấy kết quả”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Để khắc phục hạn chế này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu ra 2 giải pháp. Thứ nhất là “phải rất công khai, minh bạch việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói riêng cũng như việc điều hành của Chính phủ nói chung… Công khai thì sẽ biết rõ ai làm tròn trách nhiệm, ai không làm tròn để nhân dân hoặc các đại biểu Quốc hội đánh giá”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chính phủ cần chuẩn bị sửa đổi Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng không cần phải ban hành các luật, bộ luật có phạm vi rộng, mà làm những luật nhỏ, chỉ dài một, hai trang giấy dễ hiểu và thực hiện được ngay, không cần hướng dẫn nữa.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cần hướng tới việc thông qua xét xử giám đốc thẩm của Toà án Nhân dân Tối cao để ban hành án lệ, có giá trị bắt buộc đối với các toà án các cấp khác, trừ khi cơ quan thẩm quyền có quy định khác với án lệ, từ đó sẽ ít phải ban hành văn bản hướng dẫn luật.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng kêu gọi các cơ quan báo chí chủ động thông tin về những nội dung lấy ý kiến nhân dân xây dựng pháp luật nói chung và các văn bản hướng dẫn thi hành nói riêng để người dân, nhất là những đối tượng có quyền và lợi ích liên quan, biết và góp ý ngay từ đầu với các cơ quan xây dựng pháp luật.

Trước những ý kiến trái chiều của dư luận về các quy định ghi tên cha, mẹ đẻ vào chứng minh thư nhân dân (Thông tư 27/2012/TT-BCA và Nghị định 170/2007/NĐ-CP), xử phạt đối với hành vi mua bán xe không sang tên đổi chủ (Nghị định 71/2012/NĐ-CP), hay như một số quy định về thu phí sử dụng đường bộ như thế nào… Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng dừng triển khai hoặc thực hiện thí điểm để lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân dân, các chuyên gia.

“Nếu quy định được nhân dân ủng hộ hoặc thực hiện thí điểm thấy đúng thì làm tiếp, nếu sai thì dừng lại và xem xét chỉnh sửa pháp luật… Chính phủ luôn mong muốn người dân theo sát việc ban hành văn bản”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Thứ hai là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

“Cơ quan nào mà người đứng đầu ý thức được sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, dồn tâm lực, thời gian và ưu tiên cán bộ làm công tác này thì ở bộ, ngành đó chuyển biến rõ rệt”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói và cho biết, trong công tác thi đua khen thưởng năm nay, Chính phủ sẽ lồng ghép nội dung ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn luật, pháp lệnh vào tiêu chí thi đua.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Nâng cao chất lượng cán bộ pháp chế

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ về việc cán bộ làm công tác tư pháp là “gốc của vấn đề”, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng trăn trở 7 năm trước, Nghị quyết 55 của Quốc hội về công tác xây dựng văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh cũng đã chỉ ra điểm yếu là tổ chức và cán bộ rồi, tại sao công tác tuyển dụng công chức chưa khắc phục được những điểm yếu này? “Phải chăng tiêu chuẩn được đề ra trong việc tuyển dụng công chức pháp chế chưa phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trong công tác xây dựng pháp luật?”, đại biểu đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết hiện các cơ quan Chính phủ có khoảng 500 cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, trong đó có 480 người chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Trong số này, có đến 80% là cán bộ, công chức có bằng Cử nhân Luật trở lên.

Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 quy định cụ thể về tiêu chuẩn, trình độ, thời gian công tác của cán bộ pháp chế, đặc biệt khuyến khích cán bộ có bằng cử nhân luật lại có chuyên ngành trong lĩnh vực mình công tác. Sắp tới, Chính phủ sẽ tổng kết 1 năm thực hiện Nghị định này và có hướng tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Vụ Pháp chế của các bộ, bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ.

Bổ sung nội dung này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết vai trò trong xây dựng pháp luật không chỉ có cán bộ chuyên trách về pháp chế mà còn là của bộ máy công chức hiện nay. Cán bộ công chức có ý thức xây dựng pháp luật thì công việc này sẽ được làm tốt. Để làm được điều này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam thêm một lần đề cập đến quyết tâm, ý chí của người đứng đầu các cơ quan trong việc đôn đốc công tác này.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, gần đây Nhà nước đã ban hành rất nhiều luật với nội dung chuyên sâu, tuy nhiên, tình hình xã hội thay đổi, biến chuyển nhanh, nên trong quá trình chờ đợi luật ra đời thì xuất hiện nhiều vấn đề nảy sinh. Mặc dù có phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhưng đó đây vẫn còn có tình trạng cơ quan chủ trì xây dựng đứng trên góc độ thuận lợi cho mình nên khi đưa ra trình Quốc hội thì thay đổi nhiều. Việc chú trọng xây dựng thể chế có nơi có lúc chưa được sâu sắc. Từ đó dẫn đến việc trù liệu xây dựng luật phải làm lại từ đầu, gây ra chậm trễ.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quốc hội cùng phải cải tiến cách ban hành pháp luật, phối hợp với nhau ngay từ khi bắt đầu xây dựng văn bản.

Thành Chung/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất