Chủ Nhật, 24/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 5/2/2014 15:54'(GMT+7)

Tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son đã dành cho PV Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi về nội dung này.
An toàn, an ninh thông tin: Vấn đề được quan tâm đặc biệt

 Thưa Bộ trưởng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng Internet đang ngày càng trở thành một vấn đề nóng, được cả xã  hội quan tâm. Xin Bộ trưởng cho biết thực trạng của vấn đề này hiện nay ở nước ta như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son:  Với diễn biến của những vụ tấn công phá hoại cũng như  công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng của các cơ  quan, tổ chức, doanh nghiệp trong vài năm trở lại  đây, có thể nhận thấy một thực trạng trong khi các vụ tấn công phá hoại của tin tặc ở trong và ngoài nước đang gia tăng cả về quy mô, cường độ và độ tinh vi thì công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng của chúng ta lại đang có nhiều bất cập cả về hạ tầng, nhân lực và nhận thức.

Vì vậy, nguy cơ và hậu quả của nạn tin tặc, nhất là đối với các trang thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp lớn… đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt hiện nay. 

Nhận thức rõ vấn đề này, từ nhiều năm qua, Bộ TTTT đã luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp để đối phó với các nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin.

Năm 2013, Bộ TTTT đã chỉ đạo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) phối hợp với các đơn vị trong ngành hỗ trợ hiệu quả một số báo điện tử và cổng thông tin điện tử ứng phó hiệu quả trước các đợt tấn công nguy hiểm của tin tặc làm ngưng trệ hoạt động hoặc thay đổi thông tin trái phép.

Tuy nhiên, với mức độ nguy cơ ngày càng lớn của vấn đề an toàn an ninh mạng như trên, những cố gắng như vừa qua là chưa đủ. 

Vậy trong năm 2014, Bộ TTTT sẽ có những giải pháp gì để tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh thông tin cho các trang mạng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Trong năm 2014, xác định rõ vấn đề an toàn an ninh mạng là một trong các thách thức lớn đối với nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, Bộ TTTT sẽ tập trung triển khai những nhóm biện pháp đồng bộ, toàn diện nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thông tin trên Internet, trong đó tập trung vào những giải pháp cơ bản như:  Hoàn thiện môi trường pháp lý, theo đó, tập trung triển khai dự án Luật An toàn thông tin, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình dự thảo Luật và các văn bản dưới luật kèm theo, theo đúng kế hoạch mà Chính phủ và Quốc hội đã thông qua. Luật An toàn thông tin, sau khi được ban hành sẽ là nền tảng  căn cứ pháp lý hết sức quan trọng cho việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin một cách bài bản, đồng bộ, có  tính hệ thống…

Khẩn trương triển khai việc thành lập Cục An toàn thông tin trực thuộc Bộ TTTT; tiếp tục kiện toàn VNCERT với vai trò là một đơn vị sự nghiệp chuyên trách về công tác hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin.

Tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Chỉ thị số 897/CT-TTg ngày 10/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số”; Thông tư số 27/2011/TT-BTTTT ngày 04/10/2007 về “Quy định về điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố mạng Internet Việt Nam”. Hỗ trợ và khuyến khích các cơ quan, tổ chức áp dụng tiêu chuẩn “Hệ thống quản lý an toàn thông tin” mã số TCVN ISO/IEC 27001:2009 để tăng cường các công tác đảm bảo an toàn thông tin.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ hoạt động điều phối ứng cứu sự cố như triển khai công tác giám sát an toàn mạng để phát hiện và cảnh báo sớm các vụ tấn công gây mất an toàn thông tin; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức thành lập các tổ chức ứng cứu sự cố tại chỗ và xây dựng mạng lưới ứng cứu sự cố trên toàn quốc có sự hợp tác chặt chẽ; tạo sự phối hợp và liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, mạng lưới ứng cứu sự cố và các nhà cung cấp dịch vụ Internet để sẵn sàng hỗ trợ xử lý khi có sự cố xảy ra; tăng cường kiểm tra đánh giá các cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước để có biện pháp khắc phục kịp thời trước khi xảy ra các sự cố…

Phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong công tác bảo đàm an toàn thông tin mạng cũng như đẩy mạnh hoạt động hợp tác và phối hợp quốc tế, nhất là trong việc chống lại những vụ tấn công từ nước ngoài...

“Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”
 
Thưa Bộ trưởng, hiện nay, trên một số trang mạng, đặc biệt là các trang mạng cá nhân có đăng nhiều thông tin “nhiễu. Xin Bộ trưởng cho biết trong năm nay, Bộ có giải pháp gì để quản lý các trang mạng này mà vẫn đảm bảo quyền tự do ngôn luận của người dân?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Để quản lý tốt các trang thông tin điện tử, trong năm 2014, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai việc ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, ban hành các văn bản dưới Nghị định; tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời trên hệ thống báo chí chính thống để đáp ứng nhu cầu của độc giả, nắm bắt, phát hiện và giải quyết những vấn đề phát sinh được phản ánh trên các trang cá nhân, mạng xã hội. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật những trang tin vi phạm. 

Với phương châm: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực”, Bộ TTTT  sẽ tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các dịch vụ nội dung tích cực, lành mạnh phù hợp với đặc trưng lịch sử, văn hóa, tập quán và ngôn ngữ của người Việt Nam nhằm thu hút người dùng, hạn chế tác động tiêu cực của những thông tin sai trái, độc hại trên Internet; nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước về tổ chức bộ máy, về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại bảo đảm triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý về cả hành chính và kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm theo pháp luật. 

Đây là những giải pháp có ý nghĩa then chốt và lâu dài, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, để mỗi người dân đều có sức đề kháng và trở thành bộ lọc thông tin hiệu quả, tự quyết định lựa chọn việc cung cấp và sử dụng những thông tin có ích cho nhu cầu cá nhân, có khả năng miễn dịch đối với các thông tin sai trái, độc hại.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Chinhphu.vn
                                                                     
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất