Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kỷ luật truyền thông phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 31/3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kỷ luật truyền thông phòng, chống dịch COVID-19.
Công văn nêu rõ, hiện nay dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, lan rộng ra nhiều nước, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, đời sống của người dân, sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, đã kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây ra và đạt được những thành công bước đầu, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, đánh giá cao.
Đạt được kết quả đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn xà hội, có sự đóng góp không nhỏ của công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, trong đó, đặc biệt có vấn đề cần tăng cường kỷ luật trong truyền thông.
Hiện nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, có ý nghĩa quyết định, đòi hỏi sự chung tay, thực hiện quyết liệt của các cấp, ngành. Công tác truyền thông cũng phải được quan tâm, đẩy mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu về việc đẩy mạnh truyền thông.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí của địa phương thông tin kịp thời, minh bạch, trong đó, chú trọng thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh; chủ động thông tin về kết quả điều trị để tránh hoang mang trong xã hội; thông tin nhiều hơn về cách phòng tránh dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống lây chéo dịch bệnh trong cộng đồng, tránh đưa các thông tin gây bi quan, sợ hãi hoặc kỳ thị đối với người mắc, người nghi mắc bệnh.
Qua công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và chính quyền địa phưorng.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cử người phát ngôn, có đầu mối cung cấp thông tin hoặc có thông cáo báo chí về tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn để báo chí đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót (đặc biệt tránh việc vội vàng cung cấp cho báo chí các thông tin còn đang trong giai đoạn xác minh, bàn bạc chưa ngã ngũ...); đảm bảo cung cấp thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.
Đẩy mạnh tuyên truyền giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe, đời sống của nhân dân.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các hành vi thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực tới công tác phòng, chống dịch; việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong trường hợp cần thiết liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền, đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Cục Báo chí (số 7 Yết Kiêu, Hai Bà Trưng, Hà Nội)./.
Theo TTXVN