Thực hiện Quy chế phối hợp số 11557, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã thống nhất thực hiện 6 nội dung cơ bản và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của hai bên chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuần tra, giám sát môi trường biển cũng như đóng góp vào việc xây dựng các văn bản pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý môi trường biển và hải đảo.
Qua đó đã triển khai hoạt động tuần tra, giám sát, phát hiện và xử lý các hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển trong năm 2016, làm tiền đề để tăng cường công tác này trong năm 2017.
Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thành Minh cho biết, nội dung phối hợp hoạt động giữa Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển là tập trung vào các lĩnh vực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác trao đổi, tiếp nhận, chia sẻ thông tin; phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Phối hợp trong các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và hợp tác quốc tế…
Trong năm 2016, Tổng cục đã chủ trì phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các đơn vị liên quan thành lập 2 đoàn công tác tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình việc chấp hành pháp luật trong quản lý khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; hiện trạng môi trường biển tại các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương có biển. Thông qua kết quả phối hợp kiểm tra đã nắm bắt được thực trạng việc chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường biển và hải đảo tại các địa phương. Tuyên truyền pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và hướng dẫn cho các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện đúng các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời tiếp thu ý kiến phản ánh từ phía doanh nghiệp, chính quyền địa phương, trên cơ sở đó kiến nghị đề xuất với các cơ quan chức năng có thẩm quyền có các giải pháp khắc phục các vấn đề còn tồn tại.
Cũng từ công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát với lực lượng Cảnh sát biển, Tổng cục nhận thấy đây là một nhiệm vụ rất cần thiết và hiệu quả, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên biển, ven biển và hải đảo. Đội ngũ cán bộ công chức của Tổng cục đã học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về tuần tra, kiểm soát cũng như tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển.
Theo Đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, hiện lực lượng được trang bị trên 70 tàu xuồng các loại, 3 máy bay tuần thám, hơn 100 xe ô tô cùng vũ khí thiết bị kỹ thuật và các trang thiết bị phục vụ chuyên ngành trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy khác. Đặc biệt, gần đây được trang bị thêm một số tàu hiện đại có lượng giãn nước lớn, đủ sức hoạt động ở các vùng biển xa như tàu DN-2000, tàu TK-3500CV…Do đó khi cần thiết sẽ hỗ trợ nhân lực, phương tiện tàu thuyền, khảo sát nghiên cứu, điều tra và bảo vệ các hoạt động chuyên môn trên biển cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Đặc biệt là phổ biến kinh nghiệm về các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu nguyên nhân gây ô nhiễm do các hoạt động của con người gây ra, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Biên soạn tài liệu, in ấn tờ rơi, xây dựng phóng sự, tin bài tuyên truyền về kết quả hoạt động, cùng với cảnh báo sự suy thoái, ô nhiễm môi trường biển và hải đảo do các hoạt động của con người gây ra.
Trong năm 2017, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục phối hợp thực hiện có có hiệu quả hơn nữa các nội dung đã ký kết giữa hai bên về các hoạt động trên vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc. Nhất là đổi mới hình thức, phối hợp đảm bảo hiệu quả trong trao đổi thông tin, xử lý nhanh các điểm phát sinh; tăng cường công tác trao đổi thông tin, thông báo về các chính sách và pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, hải đảo. Nắm chắc tình hình về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý tổng hợp biển, kịp thời phát hiện những sai phạm để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân…Hai đơn vị cũng nhất trí cao về công tác phối hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong thực thi phát luật trên biển, thực hiện nghiệp vụ và cùng nhau góp ý vào các văn bản pháp luật liên quan để làm tốt nhiệm vụ phối hợp tuần tra xử lý vi phạm pháp luật biển, đảo./.
Văn Hào/TTXVN