Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 23/8/2014 14:37'(GMT+7)

Tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso (Giô-sê Ma-nu-en Ba-rô-sô) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-26/8/2014. Đây là chuyến thăm lần thứ hai sau chuyến thăm đầu tiên vào năm 2007 của Chủ tịch Barroso tới Việt Nam .

Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù. Về cơ bản, EU có 8 định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu , Tòa án Công lý châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Cơ quan Đối ngoại châu Âu và Tòa kiểm toán châu Âu.

Ủy ban châu Âu (EC) là cơ quan hành pháp của khối. EC hoạt động độc lập, có chức năng xây dựng, kiến nghị các đạo luật của EU, thực thi, áp dụng và giám sát việc triển khai các hiệp ước và điều luật của EU, sử dụng ngân sách chung để thực hiện các chính sách chung của cả khối theo quy định.


Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1990. Quan hệ Việt Nam-EU phát triển mạnh mẽ với việc hai bên chính thức ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.
Về chính trị, hai bên duy trì thường xuyên trao đổi và tiếp xúc cấp cao. Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm EU (1/2013) ; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm EU (10/2010). Về phía EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy thăm Việt Nam (11/2012), Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Catherine Ashton thăm Việt Nam (8/2014). Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 6 nước thành viên EU gồm: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và Italia.

Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU. EU là một trong những đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Từ 2001-2013, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 7 lần, từ mức 4,5 tỷ USD năm 2001 lên 33,7 tỷ USD năm 2013. Năm 2012, EU lần đầu tiên vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU là 17,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2013, nhập khẩu từ EU là 4,4 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2013. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EU là: dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ EU là: máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may da, tân dược, hóa chất và các sản phẩm hóa chất, phương tiện vận tải…

Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam - EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh. Việt Nam liên tục xuất siêu sang EU, đặc biệt trong 10 năm gần đây với mức xuất siêu trung bình từ 3-5 tỷ USD, tương đương 50% kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hoá chất lượng cao, thực phẩm sạch, thủ công mỹ nghệ, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô.

Về đầu tư, tính đến tháng 6/2014, đã có 23/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1.471 dự án có tổng vốn đăng ký 18,38 tỷ USD. Lĩnh vực đầu tư tập trung vào ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí, nước; lĩnh vực thông tin truyền thông; kinh doanh bất động sản. Các nước EU có dự án tại hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều dự án nhất với 538 dự án, tổng vốn đầu tư 2,77 tỷ USD. Hà Nội đứng đầu về tổng vốn đầu tư với 3,06 tỷ USD (341 dự án), tiếp theo là các địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đồng Nai...

Về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang EU, tính đến hết tháng 6/2014, Việt Nam có 47 dự án đầu tư sang 11 nước EU (Đức, Hà Lan, Ba Lan, Séc, Bỉ, Thụy Điển, Anh, Italia, Pháp, Hy Lạp và Bulgaria) với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 115 triệu USD. Dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam tại EU là dự án mở chi nhánh Ngân hàng VietinBank tại Frankfurt, Cộng hòa liên bang Đức, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD.

Liên minh châu Âu và các nước thành viên là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. EU cam kết tăng viện trợ cho Việt Nam 400 triệu Euro trong giai đoạn 2014-2020, tăng 30% so với giai đoạn 2007-2013. Hai bên tích cực duy trì đối thoại về vấn đề quyền con người trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso thăm Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là về kinh tế, thương mại trong thời gian tới và thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất