Chủ Nhật, 24/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 17/1/2018 14:24'(GMT+7)

Tăng cường quán triệt các kết luận của Ban Bí thư và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý xuất bản

Đồng chí Phạm Văn Linh phát biểu kết luận Hội nghị

Đồng chí Phạm Văn Linh phát biểu kết luận Hội nghị

Ngày 17-1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2017. Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội nghị.


 
 

Quán triệt và triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 19 về công tác xuất bản

Báo cáo đánh giá về công tác chủ quản xuất bản năm 2017 tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, ngay từ đầu năm 2017, một số cơ quan chủ quản đã quan tâm, tích cực triển khai, tổ chức các hội nghị quán triệt sâu rộng Thông báo Kết luận số 19-TB/TW ngày 29-12-2016 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”; chỉ đạo các đơn vị xuất bản trực thuộc xây dựng chương trình hành động. Điển hình như Bộ Quốc phòng đã triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện Thông báo Kết luận 19 về công tác xuất bản; Bộ Công an xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trong Công an nhân dân” và ban hành Quy chế xuất bản trong quân đội để thực hiện thống nhất trong toàn quân. Thành ủy Hà Nội triển khai chương trình hành động với nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản trong thành phố, góp phần nâng cao văn hóa đọc của thủ đô văn hiến. Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo xây dựng “Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tổ chức cầu truyền hình trực tuyến quán triệt các nội dung thông báo Kết luận 19 cho lãnh đạo cấp ủy, chuyên môn, toàn thể đảng viên và cán bộ viên chức tại Nhà xuất bản Hà Nội và các chi nhánh trên cả nước.

Công tác tuyên truyền thực hiện pháp luật được tăng cường. Nhiều cơ quan chủ quản đã tập trung chỉ đạo nhà xuất bản trực thuộc chấn chỉnh công tác liên kết xuất bản; quản lý chặt chẽ quy trình đọc duyệt nội dung và ký duyệt xuất bản phẩm trước khi phát hành và nâng cao chất lượng xuất bản; thực hiện quy định về lưu chiểu xuất bản phẩm. Tiêu biểu là các đơn vị như Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại học Quốc gia, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Gió dục và đào tạo…

Việc thực hiện các định hướng lớn trong Thông báo Kết luận số 19, Luật Xuất bản và Kết luận tại Hội nghị giao ban xuất bản đầu năm được một số đơn vị quan tâm, tập trung thực hiện. Trong năm 2017, Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai đã chuyển về trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh; chấm dứt tình trạng nhà xuất bản trực thuộc cơ quan quản lý cấp sở, gây khó khăn cho hoạt động của nhà xuất bản, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác chỉ đạo, quản lý chung của ngành.

 
 Đồng chí Nguyễn Nguyên báo cáo tại Hội nghị

 

Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị chưa tổ chức quán triệt Thông báo Kết luận số 19 đúng theo tiến độ Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; chưa chỉ đạo nhà xuất bản trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Thông báo kết luận. Một số nội dung phối hợp chỉ đạo, quản lý theo tinh thần Quyết định số 283-QĐ/TWcuar Ban Bí thư ban hành “Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản” chưa được thực hiện nghiêm. Nhiều địa phương chưa thực hiện đầy đủ tổ chức giao ban xuất bản hằng quý.

Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, định hướng xuất bản

Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, trong năm qua, hầu hết các cơ quan chủ quản đã thực hiện tốt công tác định hướng kế hoạch xuất bản cả năm và từng giai đoạn; xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu xuất bản, đồng thời thường xuyên chỉ đạo, định hướng thông tin giúp các nhà xuất bản chủ động tiếp cận các mảng đề tài theo đúng chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ mục đích, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.

Trên cơ sở định hướng xuất bản của cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản đã tập trung tổ chức, khai thác nhiều bản thảo có chất lượng, xuất bản được một số bộ sách, tủ sách, đầu sách có giá trị, tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng xuất bản. Nhiều nhà xuất bản đã tập trung xuất bản các xuất bản phẩm tuyên truyền về việc nghiên cứu, quán triệt, đưa  Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết quan trọng của Đảng vào cuộc sống; đẩy mạnh mảng sách về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các cuốn sách về gương điển hình tiêu biểu, những bài học kinh nghiệm trong phong trào, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đã xuất bản các tài liệu, công trình  nghiên cứu góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Xuất bản các ấn phẩm có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch và các đối tượng chống đối.

Các cơ quan chủ quản chỉ đạo kịp thời những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; có các hình thức hỗ trợ nguồn bản thảo có chất lượng cho nhà xuất bản; tiêu biểu như Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị Bộ Công an đã tạo điều kiện cho Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức hiệu quả nhiều trại sáng tác, có được tác phẩm giải thưởng cao.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, đôn đốc nhà xuất bản thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan chủ quản chưa sâu sát, kịp thời, dẫn đến để nhà xuất bản sai phạm, yếu kém kéo dài, kể cả sai phạm về nội dung và hạn chế tỏng sản xuất, kinh doanh. Việc chỉ đạo nhà xuất bản tăng cường quản lý các chi nhánh, văn phòng đại diện cũng chưa thường xuyên, chưa hiệu quả.

Đầu tư về vốn, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các nhà xuất bản

Theo báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2017, mức đầu tư của các nhà xuất bản tăng lên. Thực hiện quy định của Luật Xuất bản và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản, nhiều cơ quan chủ quản đã quan tâm, đầu tư cho nhà xuất bản trực thuộc các điều kiện về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật để các nhà xuất bản hoàn thành thủ tục cấp đổi giấy phép hoạt động. Đến nay, đã có 37/60 nhà xuát bản đã hoàn thành thủ tục cấp đổi giấy phép hoạt động. Từ kết quả đầu tư đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị xuất bản có những điểm sáng nổi bật. Nhiều cơ quan chủ quản có những cơ chế chính sách hỗ trợ cơ chế, tài chính riêng để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất bản phát triển. Một số chủ quản đã bố trí tăng biên chế cho nhà xuất bản, thực hiện chi trả một phần hoặc đảm bảo lương cho cán bộ, nhân viên nhà xuất bản, xây dựng cơ chế để tập trung xuất bản tài liệu tại đơn vị xuất bản.

Chế độ đặt hàng tiếp tục được các cơ quan chủ quản quan tâm đầu tư. Nhiều địa phương, nhiều ngành dù nguồn lực hạn hẹp song vẫn dành kinh phí cho sách đặt hàng.

Với mục tiêu sách điện tử là bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều cơ quan chủ quản đã quan tâm đầu tư cho nhà xuất bản trực thuộc phát triển mảng sách này. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân được đầu tư 29,9 tỷ  đồng thực hiện Dự án Xuất bản điện tử. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật được đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để xây dựng các phần mềm tích hợp, phần mềm quản lý nhà xuất bản, số hóa tài liệu.

Xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm năm 2018

Tại Hội nghị, các đại biểu đã xác định, trong năm 2018, cùng với xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, đưa ra yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao đối với chất lượng các xuất bản phẩm. Từ đó, các đại biểu đã thống nhất những nhiệm vụ trọng tâm mà các cơ quan chủ quản và nhà xuất bản cần lưu ý trong thời gian tới:

 
 Đồng chí Nguyễn  Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

 

Thứ nhất, bám sát nhiệm vụ chính trị trong năm 2018, cơ quan chủ quản, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các nhà xuất bản đẩy mạnh xuất bản các xuất bản phẩm tuyên truyền theo tinh thần đổi mới, sáng tạo các Nghị quyết của Đảng khóa XII; triển khai thực hiện Kết luận số 23 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; tuyên truyền các vấn đề về chủ quyền biển đảo, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tuyên truyền về thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nền khoa học và công nghệ Việt Nam…

Thứ hai, nghiên cứu chuyển đổi nhà xuất bản trực thuộc theo loại hình tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; nghiên cứu, thực hiện việc chuyển đổi của các nhà xuất bản địa phương và các nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin đối ngoại, đồng bào dân tộc thiểu số chuyển sang loại hình đơn vị sự nghiệp có thu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Thông báo kết luận số 19 của Ban Bí thư.

Thứ ba, tăng cường phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản, thực hiện nghiêm các quy định của Ban Bí thư khóa X về chỉ đạo, quản lý xuất bản; gắn với thực hiện Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ tư, tập trung tăng cường đầu tư nguồn lực cho các nhà xuất bản.

Thứ năm, chỉ đạo các nhà xuất bản kiện toàn tổ chức, hoàn thiện quy chế hoạt động trong đơn vị, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng vị trí công tác, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường quản lý hoạt động liên kết, hoạt động của văn phòng đại diện, phát triển xuất bản điện tử.

Chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp có thu

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh đã biểu dương những kết quả nổi bật của ngành xuất bản, đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát định hướng chính trị, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành. Các nhà xuất bản đã bám sát nội dung, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, triển khai kế hoạch, đề tài xuất bản trong năm, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, của đất nước.

Trong đó, đồng chí nhấn mạnh, một số cơ quan chủ quản đã có mức quan tâm rõ rệt thông qua các việc làm cụ thể như: đầu tư về cơ sở vật chất, cấp thêm diện tích, xây dựng trụ sở mới, ứng dụng khoa học công nghệ, tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức hoạt động hiệu quả hơn… Thông qua chế độ đặt hàng, cơ quan chủ quản đã tạo điều kiện cho nhà xuất bản có thêm điều kiện khai thác, nâng cao chất lượng đề tài xuất bản đối với các mảng sách, tài liệu tuyên truyền của cơ quan chủ quản. Việc hỗ trợ này đã tháo gỡ khó khăn, tạo công ăn việc làm cho nhà xuất bản, bảo đảm các điều kiện hoạt động theo quy định.

Thực hiện Kết luận số 19 của Ban Bí thư, các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo đã đẩy mạnh công tác định hướng nội dung thông tin, chủ động cung cấp thông tin đối với các vấn đề phức tạp, quan trọng, nhạy cảm cho các đơn vị xuất bản, tạo điều kiện để các nhà xuất bản thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đọc của nhân dân.

Công tác xây dựng và thực hiện chính sách được các cơ quan quản lý đặc biệt chú trọng. Bộ Thông tin và truyền thông đã tích cực hoàn thiện, kiến nghị ban hành các văn bản pháp luật quản lý của ngành trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đơn vị trong ngành và cơ quan liên quan. Từng bước xây dựng kế hoạch, triển khai công tác quản lý, tạo điều kiện tốt nhất về mặt cơ chế, chính sách, đồng thời có ý kiến với cơ quan chủ quản sớm triển khai, thực hiện các yêu cầu hoàn thiện về điều kiện hoạt động của ngành xuất bản, nhằm ổn định hoạt động của ngành.

Các cơ quan chủ quản với tinh thần đổi mới, phục vụ hiệu quả hoạt động của ngành, đã tổ chức tốt công tác giao ban bán chí, xuất bản định kỳ tại cơ quan mình. Thông tin kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, cập nhận các văn bản quản lý nhà nước mới, những vụ việc, vấn đề quan trọng được xã hội và dư luận quan tâm đến lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản, giúp cho công tác xuất bản tránh được những sai sót. Các nhà xuất bản trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, lựa chọn đề tài phù hợp với đơn vị mình.

Đồng chí Phạm Văn Linh cũng nêu rõ, năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cũng là năm đầu triển khai đồng bộ các nội dung văn kiện Hội nghị lần thứ 6 khóa XII với nhiều nội dung đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước. Đây cũng là những vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đến công tác cán bộ, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành xuất bản và công tác chủ quản năm 2018, đồng chí Phạm văn Linh đề nghị, hoạt động xuất bản cần tập trung xây dựng kế hoạch đề tài, lựa chọn bản thảo cho việc tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội vào cuộc sống gắn với tuyên truyền Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; tuyên truyền các ngày  lễ lớn của đất nước… Đây là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần được triển khai bài bản, khoa học, sáng tạo, sinh động để nội dung ấn phẩm tuyên truyền thực sự có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và toàn xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2018.

Phát huy những kết quả tích cực của năm 2017, đồng chí Phạm Văn Linh đề nghị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý xuất bản cần quán triệt khẩn trương các kết luận của Ban Bí thư về công tác xuất bản; triển khai thực hiện các nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng; làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa ngành tuyên giáo, ngành Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan chủ quản nhà xuất bản.

Các cơ quan chủ quản cần thực hiện việc đổi mới chỉ đạo, lãnh đạo đối với các đơn vị thiết thực hơn, thường xuyên  hơn theo  tinh thần đổi mới của Trung ương, thấm nhuần sâu sắc quan điểm đổi mới tư duy chỉ đạo xuất bản được Ban Chấp hành Trung ương nhất trí thông qua tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, trong đó, xác định rõ đối với lĩnh vực xuất bản: “Chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp có thu; trường hợp thật sự cần thiết, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì cho phép chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên 100% vốn nhà nước”.

Đồng chí Phạm Văn Linh cũng đề nghị các cơ quan chủ quản tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân lực ngành xuất bản, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nguồn, kế cận, đội ngũ biên tập viên, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, có kế hoạch trung và dài hạn, giải quyết cơ bản tình trạng khủng hoảng về nhân lực của nhiều nhà xuất bản hiện nay.

 Tính đến ngày 29/12/2017, các nhà xuất bản trong cả nước đã đăng ký 63.814 tên xuất bản, Cục xuất bản, In và phát hành xác nhận: 62.800 tên xuất bản phẩm.

Tổng số xuất bản phẩm của 60 nhà xuất bản nộp lưu chiểu là 30.157 xuất bản phẩm. Trong đó, xuất bản dưới dạng sách giấy là 28.500 cuốn với 310.200.000 bản; xuất bản phẩm điện tử là 217 xuất bản phẩm; xuất bản phẩm khác (băng, đĩa, bản đồ, lưu ảnh, lịch) là 1.800 loại với 33.000.000 bản. 


Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất