Ngày 11/4, tại Ninh Bình, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo - tập huấn định hướng truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp; thúc đẩy hoạt động truyền thông về vị trí, vai trò, hình ảnh, thông điệp ủng hộ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung như tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp; các vấn đề truyền thông cho 3 nhóm đối tượng là nhóm trực tiếp làm công tác bầu cử, nhóm nữ ứng cử viên, nhóm cử tri; gương mặt, hình ảnh ứng cử viên tiêu biểu; nội dung trọng điểm cần truyền thông nhằm tăng tỷ lệ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trên thế giới, phụ nữ luôn chiếm hơn nửa dân số. Mặc dù chiếm số lượng lớn nhưng hoạt động trong xã hội của phụ nữ chưa tương xứng. Tại Việt Nam, số lượng đại biểu nữ tại Quốc hội khóa I chỉ chiếm 3%, đến Quốc hội khóa XIII đã tăng lên 24,2%. Trong cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kì 2011 – 2016 ở cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện là 24,62%, cấp xã là 21,71%. Kết quả trên cho thấy đã có sự gia tăng tỷ lệ nữ đại biểu HĐND so với 3 nhiệm kì gần nhất. Tuy nhiên, qua mỗi nhiệm kì, các tỷ lệ này chỉ tăng dao động trong khoảng trên dưới 2%. Đặc biệt, tỷ lệ này qua từng nhiệm kỳ tăng lên chưa thật sự bền vững. Trong 4 nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ này có sự sụt giảm đáng kể. Như vậy, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11 – NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, sự bình đẳng trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Ông Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, để thực hiện mục tiêu đạt 35% trở lên nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của nhiệm kì 2016 – 2021, Việt Nam cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần tập trung truyền thông cho 3 nhóm đối tượng chính là nhóm trực tiếp làm công tác bầu cử, nhóm nữ ứng cử viên, nhóm cử tri. Bên cạnh đó, các thông điệp truyền thông phải mang tính định hướng và xây dựng những thông điệp cụ thể nhằm truyền tải chủ đề chính và quan điểm rõ ràng cho các nhóm đối tượng khác nhau.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tuyên truyền về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc gia tăng đại biểu nữ trong hệ thống chính trị; phỏng vấn các đại biểu nữ tiêu biểu và các ứng cử viên nữ, đồng thời đăng tải các chương trình hành động của ứng cử viên nữ. Tăng cường tỷ lệ phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội cũng như hệ thống chính trị Việt Nam là cách để Việt Nam phát triển bền vững./.
Hải Yến/TTXVN