Chiều 30/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng nhằm đánh giá thực trạng hoạt động quảng cáo trên mạng của Việt Nam, vi phạm còn tồn tại và giải pháp cần triển khai thời gian tới.
Vi phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn tràn lan
Ngày 20/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, các hành vi vi phạm về quảng cáo trên mạng vẫn tiếp diễn phức tạp.
Sau khi Nghị định 70/2021/NĐ-CP về quản lý quảng cáo xuyên biên giới được ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý cơ bản vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới: tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn Nghị định; tổ chức thanh, kiểm tra nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo trong nước có hợp tác doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức làm việc gần 45 doanh nghiệp, nhãn hàng có vi phạm, xử phạt 15 doanh nghiệp với 210 triệu đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố trên Cổng thông tin của Bộ các website vi phạm không được phép hợp tác quảng cáo, trong thời gian tới sẽ cung bố các tài khoản/kênh nội dung vi phạm.
Thông tin về thực trạng quảng cáo vi phạm trên mạng, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, theo quy định của Nghị định 70/2021/NĐ-CP, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước và nước ngoài (đại lý quảng cáo, Facebook, Google...) không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo không được đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, chống phá Nhà nước, vi phạm bản quyền; không hợp tác phát hành quảng cáo với các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố; phải nộp báo cáo về Bộ theo định kỳ hoặc đột xuất.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, vi phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn tràn lan. Tính đến nay, mới có 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Các doanh nghiệp này đều thông báo không có máy chủ đặt tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam nhưng chưa thông báo gồm: META, AMAZON, LINKEDIN, Trade Desk, SilverPush, AdColony, Adskeeper, Taboola…
“Ngoại trừ một số nhãn hàng lớn Vinamilk, Nestle khi đặt quảng cáo có yêu cầu đại lý quảng cáo áp dụng một số quy định chặt chẽ, hầu hết thương hiệu còn lại chỉ yêu cầu số lượng view và khá dễ dãi… nên các đại lý thả lỏng và nhiều sản phẩm quảng cáo gắn với các nội dung xấu độc. Đặc biệt, trong 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, chỉ có một doanh nghiệp áp dụng cài đặt bộ chặn lọc quảng cáo có nội dung xấu độc… Vì vậy, mặc dù cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm về quảng cáo trên mạng, nhưng nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Đồng thời, kết quả rà soát, kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp, nhãn hàng cho thấy vẫn tồn tại nhiều vi phạm quảng cáo. Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ rõ các bất cập, hạn chế hiện nay, đó là: người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ. YouTube, Facebook… cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật kiếm tiền/cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.
Công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả. Cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật. Cơ chế xử lý, khắc phục vi phạm thiếu trách nhiệm, không triệt để. Các nhãn hàng, đại lý quảng cáo chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử (website, kênh, tài khoản cá nhân) vi phạm, kém chất lượng; không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm (Black List).
Đảm bảo đáp ứng được nhu cầu quảng cáo an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng quảng cáo trên môi trường mạng đang trở thành xu thế tất yếu được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn do có nhiều lợi thế: khả năng tiếp cận khách hàng lớn, chi phí linh hoạt, hiệu quả cao. Bên cạnh những ưu thế, quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các doanh nghiệp và nhãn hàng chưa thể đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị quảng cáo. Đây thực sự là một nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu.
Các đại lý quảng cáo cho biết việc sử dụng bộ lọc vi phạm của Google, Facebook hiện nay chưa đủ đảm bảo an toàn do bộ lọc quảng cáo vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới còn sơ sài, lỏng lẻo, các nền tảng không chủ động cập nhật website/tài khoản/kênh nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, thậm chí nhiều kênh/tài khoản đã bị báo vi phạm vẫn cho bật kiếm tiền gắn quảng cáo. Các đại lý quảng cáo khẳng định, nếu không có sự hợp tác của các nền tảng trong việc thay đổi các thuật toán để lọc, kiểm duyệt thì sẽ không ngăn chặn được triệt để tình trạng vi phạm này.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo với Bộ theo quy định; đồng thời thực hiện các giải pháp: ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung.
Các doanh nghiệp quảng cáo, các nhãn hàng quảng cáo càng lớn càng phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, giữ gìn uy tín thương hiệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng. Bộ sẽ đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề xử lý các vi phạm. Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp Việt Nam sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng của Việt Nam (White List), gồm: báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động và tiến tục mở rộng cho các website, tài khoản, kênh nội dung đăng ký thông tin để tham gia vào White List và sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận. White List sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Website của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tại địa chỉ abei.gov.vn.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng sử dụng White List để quảng cáo vì lý do bộ danh sách này hiện nay đã phát triển đủ lớn và phong phú, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu quảng cáo an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp...
TTXVN