Truyền thông chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng giúp kiều bào ta hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực thông tin đối ngoại.
Ngược
lại, khi kiều bào nắm được nội dung chính sách thì có thể tham gia đóng
góp ý kiến, phản hồi, ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với
quê hương, đất nước, giúp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể
chế, góp phần gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết toàn dân... Trong bối
cảnh các thế lực thù địch không ngừng dùng mọi âm mưu, thủ đoạn hòng
xuyên tạc hệ thống pháp luật và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách.
Những
năm qua, dẫu sinh sống, lập nghiệp trên khắp thế giới, cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn hướng về quê hương và đóng góp tích cực
các nguồn lực về kinh tế, tri thức cho đất nước. Điều này tác động không
nhỏ đến sự phát triển của Việt Nam trên nhiều phương diện, lĩnh vực bất
chấp thế giới đang trải qua thời kỳ biến động với những diễn biến phức
tạp, khó lường. Tính riêng trong giai đoạn đất nước phải đối mặt với
dịch Covid-19, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp hơn 80
tỷ đồng tiền mặt, các vật dụng, trang thiết bị y tế có giá trị hàng
chục triệu USD.
Nhiều dự án hợp tác đầu tư trong nước của kiều
bào được triển khai có hiệu quả. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều lý do
khác nhau, những thành tựu, kết quả đạt được hiện nay chưa tương xứng
với kỳ vọng và tiềm lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Một
trong những nguyên nhân cần phải kể đến là việc nắm bắt, tiếp cận chủ
trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước của
kiều bào ta vẫn đang tồn tại không ít vướng mắc và chưa được giải quyết
thấu đáo, triệt để.
Thực tế, do điều kiện khách quan, không ít
kiều bào ta ở nước ngoài chưa có nhiều cơ hội được phổ cập kiến thức về
pháp luật Việt Nam hiện hành, hệ quả là không ít người mang tâm lý lo
lắng, e ngại khi tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trong
nước. Bên cạnh đó, công tác truyền thông chính sách, pháp luật cho người
Việt Nam ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi lẽ, cộng
đồng kiều bào Việt Nam tại nước ngoài tuy lên đến 5,3 triệu người nhưng
lại sinh sống, làm việc rải rác trên 130 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hơn
nữa, trải qua nhiều thế hệ, do điều kiện làm ăn, sinh sống, không phải
cá nhân nào cũng biết, thông thạo ngôn ngữ tiếng Việt. Sự khác biệt về
hệ thống pháp luật Việt Nam với pháp luật của nước sở tại cũng là thách
thức đối với đội ngũ xây dựng, thực thi chính sách truyền thông pháp
luật. Lợi dụng điều này, một số băng nhóm tội phạm, tổ chức khủng bố,
phản động lập tức tiếp cận những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết để trục
lợi cũng như thực hiện những mục đích không trong sáng.
Thời
gian gần đây, hiện tượng kiều bào bị kẻ gian lợi dụng sự thiếu hiểu biết
về chính sách, pháp luật Việt Nam để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có
chiều hướng gia tăng. Tiêu biểu như ngày 14/9/2021, Công an thành phố Đà
Nẵng đã quyết định khởi tố với Trần Thị Phương Dung và Tôn Thất Huy
Minh vì tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức để lừa đảo một
Việt kiều Belarus mua một mảnh đất trị giá 5,8 tỷ đồng. Ngày 16/4/2022,
Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ Hồ Sơn Tùng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt
tài sản. Tùng đã lừa hơn 20 công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước
ngoài có nhu cầu về nước dưới hình thức mua, bán vé máy bay. Những vụ
việc như vậy ít nhiều đã gây sứt mẻ lòng tin của cộng đồng người Việt xa
xứ đối với hoạt động kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam.
Trên mặt
trận thông tin đối ngoại, các thế lực thù địch, cá nhân, tổ chức thiếu
thiện chí cũng liên tục đưa các luận điệu xuyên tạc hệ thống pháp luật
và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thông qua một số tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại, chúng đã đăng tải hàng
loạt thông tin, bài viết sai sự thật, bóp méo bản chất, mục đích và quy
định của nhiều văn bản pháp luật. Không dừng lại ở đó, trên mạng xã hội,
các nhóm người này còn thường xuyên kích động một số người Việt hải
ngoại tham gia biểu tình trực tuyến và trực tiếp để phản đối Quốc hội
Việt Nam xem xét, xây dựng, soạn thảo, ban hành các đạo luật quan trọng.
Để
phô trương thanh thế, các thế lực thù địch cũng tích cực mở rộng mạng
lưới dưới vỏ bọc thành lập các tổ chức xã hội dân sự. Chúng lập các
“nghiệp đoàn”, “công đoàn độc lập” với danh nghĩa là bảo vệ người lao
động Việt Nam nhưng thực chất âm mưu đòi xóa bỏ tổ chức công đoàn cơ sở,
kích động công nhân bỏ bê việc làm, chống đối chế độ. Ngoài ra, chúng
cũng mở ra nhiều khóa học, chương trình học bổng “xã hội dân sự” nhắm
vào đối tượng người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài để “nâng cao dân
trí và hiểu biết về pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật”.
Song
nội dung của toàn bộ các khóa học nêu trên chỉ tập trung lồng ghép các
luận điệu chống Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trên danh nghĩa tổ chức xã
hội dân sự, một số hội nhóm còn bày ra chiêu bài “kiến nghị”, “thư ngỏ”
yêu cầu Nhà nước Việt Nam bãi bỏ một số quy định trong Bộ luật Hình sự
năm 2015, Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo,… vì theo họ là
không tương đồng với các công ước quốc tế về quyền con người?
Nhiều
năm qua, với những chiêu trò xảo trá, các tổ chức chống cộng này đã
đánh lừa niềm tin của một bộ phận đồng bào người Việt Nam sinh sống ở
nước ngoài khiến không ít người nảy sinh cái nhìn, nhận thức lệch lạc về
chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước
Việt Nam. Cá biệt, do nghe theo lời xúi giục của những thế lực xấu, một
số Việt kiều trở về nước, tham gia các hoạt động phi pháp và phải nhận
kết cục là những bản án nghiêm khắc. Thực trạng này cho thấy công tác
truyền thông chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài cần
phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Xuất
phát từ mong muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn
định cuộc sống ở nước sở tại, đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê
hương, đất nước, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chính sách nhằm bảo
đảm, bảo vệ địa vị pháp lý của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở
nước ngoài (Nghị quyết 36) ban hành ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị đã
khẳng định: “Nhà nước có trách nhiệm thỏa thuận với các nước hữu
quan về khuôn khổ pháp lý để đồng bào ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền
lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo luật
pháp, công ước và thông lệ quốc tế”. Nghị quyết 36 cũng nhấn mạnh yêu
cầu về việc đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên
truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất
nước và chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trên cơ sở này, Nghị
định số 72/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại ban hành
ngày 7/9/2015 khẳng định vai trò của việc cung cấp thông tin về chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông
tin về tình hình Việt Nam trên các lĩnh vực; thông tin về lịch sử Việt
Nam và các thông tin khác. Bên cạnh đó, Nghị định này đã bước đầu làm rõ
vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trên lĩnh vực thông tin đối
ngoại nói chung, nhiệm vụ truyền thông chính sách, pháp luật nói riêng.
Ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số
12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Kết luận chỉ rõ nhiệm vụ trong thời gian tới: “Đổi mới nội dung, phương
thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Kịp thời
thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước ta. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng
đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh,
kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình
hình đất nước”.
Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ chính thức
phê duyệt Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động đến xã hội
trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027
(Quyết định số 407/QĐ-TTg). Với công tác truyền thông chính sách, pháp
luật cho kiều bào, Đề án giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp, các
cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức truyền thông dự thảo chính sách cho
đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài bằng hình thức phù hợp,
bảo đảm hiệu quả.
Với sự quan tâm, chỉ đạo tích cực, kịp thời
của Đảng, Nhà nước hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật cho
người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích
cực, bảo đảm thông tin đa chiều, khách quan, chính thức, chính xác và
đầy đủ. Bằng việc kết hợp song song giữa các hình thức truyền thông
truyền thống với việc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, cộng đồng
người Việt Nam ở nước ngoài đã nắm bắt nhiều dự thảo chính sách, pháp
luật, văn bản pháp luật mới ban hành.
Qua đó, kiều bào tích cực
đóng góp ý kiến cho hoạt động xây dựng dự thảo pháp luật cũng như đánh
giá quá trình thực thi các văn bản pháp luật hiện hành. Để không ngừng
đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách, pháp
luật cho người Việt Nam ở nước ngoài, rất cần có một đội ngũ cán bộ
chuyên trách hội đủ kỹ năng truyền thông, trình độ pháp luật và vốn hiểu
biết văn hóa.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng bảo
đảm, bảo vệ quyền của người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở
nước ngoài; tạo điều kiện, cơ hội cho đồng bào xa Tổ quốc có thể toàn
tâm, toàn ý đóng góp xây dựng đất nước. Đồng thời, công tác truyền thông
chính sách, pháp luật với người Việt ở nước ngoài còn là minh chứng
khẳng định kiều bào ta luôn là một bộ phận không thể tách rời với quê
hương, dân tộc./.
QUANG MINH (nhandan.vn)