Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 10/6/2017 9:1'(GMT+7)

Tăng cường tuyên truyền, đưa hoạt động quảng cáo, rao vặt đi vào nề nếp, đúng quy định

Thành phố Vinh là nơi xuất hiện nhiều loại hình thức quảng cáo khác nhau và có nhiều trường hợp vi phạm. Bà Lâm Thị Thành ở khối 13, phường Trung Đô, thành phố Vinh vừa bị Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố xử phạt vào cuối tháng 4/2017. Theo biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra, mặc dù chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng nhưng bà Lâm Thị Thành vẫn tự ý treo băng rôn có nội dung quảng cáo không đúng vị trí ở đường Lê Hồng Phong và đường Lê Nin. Trường hợp ông Trình Văn Lợi ở xã Hưng Lộc vi phạm về treo đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh công cộng làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Thành phố Vinh có trên 200 biển hộp đèn các loại và hàng ngàn bảng, hiệu cửa hàng dịch vụ về quảng cáo thương mại. Tuy vậy, các bảng, biển, pano còn lộn xộn, diện tích không đồng bộ, không đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Hơn thế, tình trạng băng rôn, quảng cáo treo mắc chồng chéo lên nhau xảy ra thường xuyên. Nhiều biển quảng cáo rao vặt còn được dán tùy tiện trên hàng rào, tường nhà và nơi công cộng. 

Theo ông Bùi Quang Phương, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin thành phố Vinh, để xảy ra tình trạng trên là do chưa có quy hoạch cụ thể về biển hiệu. Các cửa hàng treo dựng biển hiệu với mục đích quảng cáo mà chưa quan tâm đến kiến trúc không gian đô thị. Mặt khác, công tác quản lý hoạt động này còn nhiều hạn chế, thiếu kiên quyết, do tồn tại của việc cấp phép trước và sau khi quy hoạch. Ý thức của các chủ dịch vụ còn hạn chế, chỉ mới nghĩ đến lợi ích kinh doanh của cơ sở mà chưa nghĩ đến tới mỹ quan đô thị chung. 

Với nhiều loại hình đa dạng, nhiều hình thức khác nhau nên trên thực tế, việc xử phạt các hành vi vi phạm về quảng cáo vẫn còn rất nhiều khó khăn. Khó hơn cả chính là xử lý vi phạm về quảng cáo rao vặt và phát tờ rơi. Tại phường Trung Đô, thành phố Vinh, các đối tượng đi đăng phát các quảng cáo rao vặt thường lựa chọn đêm tối để thực hiện. Vì vậy, để có chứng cứ, ngoài lực lượng chính là cán bộ văn hóa, đội quy tắc đô thị, chính quyền địa phương còn huy động lực lượng quần chúng tham gia tích cực. 

Ông Từ Hoa Lam, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Đô cho biết: Từ khi đẩy mạnh việc kiểm tra, việc vi phạm trên địa bàn có giảm. Tuy nhiên, chỉ cần “lơ là”, đâu lại vào đấy. Việc xử lý vi phạm rất khó khăn bởi đối tượng vi phạm thường là học sinh, sinh viên đi làm thêm. Nếu bị bắt, đa phần các trường hợp “bỏ của chạy lấy người”. Về phía chính quyền thành phố, xác định để xử lý “tận gốc”, cần phải truy các số điện thoại đăng trên các quảng cáo, rao vặt. Tuy nhiên, những số điện thoại này thay đổi thường xuyên nên không có căn cứ để xử phạt. 

Ông Hoàng Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao Nghệ An cho rằng: Để giải quyết tình trạng này, một số địa phương trên địa bàn đã thực hiện các biện pháp đồng bộ vừa xử lý vi phạm, vừa tạo cơ chế cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu được dán quảng cáo lên các bảng quảng cáo theo quy hoạch hoặc cho quảng cáo miễn phí trên hệ thống phát thanh của phường, xã... Đây được xem là giải pháp khá hợp lý để từ đó từng bước tuyên truyền, nâng cao ý thức của các đơn vị và cá nhân trong hoạt động quảng cáo, từng bước đưa hoạt động quảng cáo, rao vặt đi vào nền nếp, đúng quy định./. 


Bích Huệ/TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất