Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 15/5/2014 15:17'(GMT+7)

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam

Lãnh đạo Báo Nhân Dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội thảo

Lãnh đạo Báo Nhân Dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội thảo

Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội đến dự.

Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn, chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu.


Với khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông nghiệp nông thôn, song ngành sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do quy mô khu vực và song phương. Giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa cao, khả năng cạnh tranh bị hạn chế và thu nhập của người nông dân ngày càng khó khăn. Những bất cập nêu trên đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp để phù hợp với tình hình.


 

Ngân hàng Nông nghiệp  chủ động cùng các bộ liên quan xây dựng chương trình
cho vay mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp


Để phát huy được hiệu quả tối đa ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Việt Nam cần phải lựa chọn những giải pháp chính sách và lộ trình cụ thể.


Như hiện nay, Việt Nam có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động, làm tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác. Điển hình như: mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại Thành phố. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng; sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; vùng trồng chè theo công nghệ trồng, chế biến chè của Đài Loan ở Thái Nguyên, Lâm Đồng…

Tuy nhiên, hoạt động của các khu nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế do đầu tư chưa đồng bộ, tập trung; cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp còn thiếu hấp dẫn, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Việc lựa chọn mô hình, sản phẩm, công nghệ để áp dụng vào sản xuất chưa phù hợp; chi phí đầu tư, vận hành quá cao dẫn đến sản xuất không hiệu quả. Đơn cử, một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng được đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập công nghệ trọn gói của nước ngoài, nhưng chưa thành công.

Xuất phát từ thực tế và những yêu cầu đang đặt ra trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, đưa ra các nhận định, đánh giá và kiến nghị, giải pháp về các vấn đề như mô hình sản xuất hàng hóa lớn, năng suất cao; mô hình liên kết sản xuất với tiêu dùng, nuôi trồng với chế biến, xúc tiến thương mại quốc tế...; ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và các chính sách tín dụng hỗ trợ; kinh nghiệm hiệu quả vốn vay cho khu vực nông nghiệp nông thôn; mở rộng các điều kiện cho vay nông nghiệp...

Trên cơ sở đó, đưa ra những đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phù hợp, giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả, đặc biệt là những chính sách về tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành tích cực triển khai.

Hội thảo cũng là cơ hội để các chuyên gia, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và các đại biểu bàn thảo và đề xuất các giải pháp để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, tăng cường liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại Việt Nam./.

 

Thanh Xuân



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất