Tại phiên họp thường kỳ vừa diễn ra, Chính phủ đã thống nhất đánh
giá, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn tiếp tục có
chuyển biến tích cực; đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng
vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp với
chỉ số sản xuất tháng Năm tăng cao nhất 5 năm qua; hoạt động thương mại
dịch vụ tiếp tục tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào,
đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; đời sống người dân tiếp tục được
cải thiện.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng khá, IIP tăng 9,4% so với cùng kỳ
(thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng
7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017). Ngành công nghiệp chế
biến, chế tạo tăng 10,9%; nhiều sản phẩm công nghiệp tăng mạnh so với
cùng kỳ (xăng, dầu tăng 74,7%; sắt, thép thô tăng 66,2%; ti vi tăng
34,2%; khí hóa lỏng tăng 26,2%; ô tô tăng 17,1%).
Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh;
tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Việt
Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, khách quốc tế
đạt gần 7,3 triệu lượt người (cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu lượt), tăng
8,8%.
Mặc dù tình hình thương mại đầu tư thế giới đang bước vào giai đoạn
khó khăn; nhưng đầu tư FDI tại Việt Nam vẫn tiếp tục khởi sắc; trở thành
một điểm đến đầu tư đáng tin cậy. Vốn FDI thực hiện đạt 7,3 tỷ USD,
tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt trên 9
tỷ USD, tăng 27,1%. Góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt
7,65 tỷ USD, tăng gấp 2,8 lần.
Xuất khẩu đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là
khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI. Gần 54 nghìn doanh
nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6%
về vốn đăng ký; có gần 20 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng
48,1%.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng
5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74%
so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất
trong 3 năm trở lại đây.
Từ bên ngoài, nhiều tổ chức quốc tế nhìn nhận Việt Nam là nước “sáng
nhất” trong nhóm các nước đang phát triển như Standard Chartered dự báo
Việt Nam nằm trong nhóm 7 nền kinh tế có tăng trưởng 7% tới năm 2030. Tổ
chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch nâng triển vọng kinh tế Việt Nam
từ “ổn định” lên “tích cực"…
Tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch nâng triển vọng kinh tế Việt
Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; đồng thời dự báo tăng trưởng năm 2019
của Việt Nam đạt 6,7%, tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP giảm xuống khoảng 46% và
thâm hụt ngân sách khoảng 3,6% GDP vào năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn những hạn chế, tồn tại
và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong, lẫn bên
ngoài. Trong đó, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến mới, khó
lường.
Theo một số dự báo, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục
sụt giảm. Trong quý I/2019, thương mại toàn cầu chỉ tăng 0,75%. Chỉ số
thương mại hàng hóa thế giới ở mức 96,3, thấp nhất kể từ năm 2010.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung diễn biến khó lường và OECD nhận định,
nếu tiếp tục kéo dài và Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu
từ Trung Quốc thì GDP của Mỹ có thể giảm 0,6%, của Trung Quốc giảm 0,8%,
thương mại toàn cầu giảm 1% và GDP toàn cầu giảm 0,4%.
Vấn đề nữa là rủi ro tỷ giá, lãi suất, bất ổn thị trường tài chính,
tiền tệ, trong đó, tỷ giá nhiều đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh.
Giá dầu thô và một số hàng hóa tiếp tục xu hướng biến động mạnh, lúc lên
lúc xuống thất thường.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “tất các những điều đó cùng với tình
hình trong nước, làm chúng ta phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao
tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới
đầy biến động”. “Tinh thần là thắng không kiêu, bại không nản, không lùi
bước trước khó khăn, thách thức của toàn cầu”.
Trước rủi ro bên ngoài, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, tiếp
tục theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng
thẳng thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời,
phù hợp, trong đó có giải pháp đa dạng hóa thị trường, tập trung phát
triển thị trường trong nước…
NHNN là đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị
trường tài chính, tiền tệ quốc tế đối với tỷ giá, lãi suất để có giải
pháp kịp thời; tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi
với cú sốc bên ngoài/.
(VGP)